1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Hỏa thần" HIMARS có giúp Ukraine lấy lại Kherson?

Minh Phương

(Dân trí) - Với các tổ hợp pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp, Ukraine đang tiến hành các đợt phản công mạnh ở miền Nam với hy vọng giành lại vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, trong đó có Kherson.

Hỏa thần HIMARS có giúp Ukraine lấy lại Kherson? - 1

Binh sĩ Ukraine kiểm tra đạn của tổ hợp HIMARS ở miền đông ngày 1/7 (Ảnh: Washington Post).

Chiến dịch phản công đầy tham vọng

Con đường dẫn đến vùng Kherson do Nga kiểm soát ở miền Nam chạy qua những cánh đồng lúa mỳ và những ngôi làng đã bị cháy rụi. Những mảnh tên lửa vẫn vương vãi khắp nơi sau những trận pháo kích. Dọc chiến tuyến, lực lượng quân sự Ukraine đang chuẩn bị cho một trong những chiến dịch quy mô lớn và tham vọng nhất: giành lại Kherson.

"Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ rất lâu", Sergei Savchenko, một sĩ quan thuộc Lữ đoàn 28 của quân đội Ukraine, cho biết.

Theo giới chức Ukraine, suốt một tháng qua, các lực lượng pháo binh, tên lửa của nước này đã làm suy yếu các vị trí của Nga nhờ những vũ khí mới do phương tây cung cấp, đặc biệt là tổ hợp pháo HIMARS.

Ở giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine, các tên lửa chống tăng hạng nhẹ do phương Tây viện trợ được coi là "át chủ bài" giúp Ukraine đẩy lùi đà tiến công của Nga nhằm vào Kiev.

Ở giai đoạn hai, pháo binh Nga chiếm ưu thế với các khẩu pháo có cỡ nòng 152mm. Nga tận dụng thế áp đảo về hỏa lực, pháo kích vào các thành phố của Ukraine trước khi đưa binh sĩ vào - chiến thuật giúp Moscow "đánh chậm, tiến chắc", kiểm soát từng thành phố, thị trấn nhỏ.

Tuy nhiên, hiện tại, các thảo luận gần như xoay quanh hiệu quả của các tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Giới chức Ukraine nói rằng, loại vũ khí này giúp họ làm chậm đà tiến công của Nga, phá hủy 50 kho đạn dược cùng hàng loạt trung tâm chỉ huy của Moscow. Đến nay, Ukraine tuyên bố đã giải phóng 44 khu dân cư, tương đương 15% lãnh thổ Kherson.

Câu hỏi đặt ra là liệu HIMARS có thể tạo điều kiện cho đà tiến công hiệu quả của Ukraine nhằm chiếm lại Kherson hay không?

Hỏa thần HIMARS có giúp Ukraine lấy lại Kherson? - 2

Nga kiểm soát vùng Kherson từ tháng 3 (Đồ họa: Aljazeera).

Nga kiểm soát Kherson ở miền Nam Ukraine từ giữa tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. Người Ukraine dường như đang ngày càng tự tin hơn về khả năng giành lại kiểm soát Kherson nhờ vào vũ khí hiện đại của phương Tây. Nếu giành lại được Kherson, bước ngoặt đó sẽ tạo động lực lớn cho quân đội Ukraine sau hơn 6 tháng giao tranh khốc liệt.

Sergiy Khlan, trợ lý người đứng đầu chính quyền Kherson, chia sẻ với truyền thông rằng, quân đội Ukraine đã đạt đến bước ngoặt quan trọng và Kherson chắc chắn sẽ được "giải phóng" vào khoảng tháng 9 năm nay. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tự tin quân đội sẽ từng bước giải phóng Kherson. "Hiện giờ chúng tôi đang tạo ra những làn sóng nhỏ để tạo ra những điều kiện cần thiết cho những cơn sóng lớn hơn", một quan chức Ukraine phát biểu.

Tuy nhiên, giới phân tích quân sự nhận định, bất cứ kế hoạch nào nhằm giành lại Kherson đều đòi hỏi nỗ lực rất lớn và không hề dễ dàng. Nga đã kiểm soát Kherson gần 5 tháng, không ngừng củng cố lực lượng quân sự, đồng thời bổ nhiệm mới lãnh đạo chính quyền ở đây.

Các chuyên gia phương Tây tin rằng, một chiến dịch phản công đòi hỏi lượng binh sĩ và khí tài lớn hơn nhiều so với nguồn lực hiện có của Ukraine. Quân đội Ukraine hiện sử dụng khoảng 6.000 đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhưng để phản công giành lại Kherson, họ cần thêm lượng đạn pháo gấp 3-4 lần. Hơn nữa, Kherson chủ yếu là vùng nông thôn, nhưng ở thành phố đông người, chiến dịch phản công cũng phải tính đến những tổn thất về người và vật chất.

Các tổ hợp HIMARS của Mỹ đã giúp Ukraine tấn công 4 cây cầu được cho là con đường tiếp tế huyết mạch của Nga ở Kherson. Ông Khlan cho biết, mục tiêu của Ukraine không phải là phá hủy hoàn toàn những cây cầu ra vào Kherson mà chỉ gây hư hại khiến Nga không thể vận chuyển khí tài hạng nặng qua đây.

Quân đội Ukraine vẫn muốn đảm bảo nguồn cung cấp lương thực vào thành phố, do đó, họ sẽ "làm mọi thứ có thể để không phá hủy cơ sở hạ tầng". Đây là mục tiêu không hề dễ dàng, kể cả với khí tài có độ chính xác cao như HIMARS, và quan trọng hơn là nó bộc lộ hạn chế đối với khả năng phản công của Ukraine.

Guardian cũng nhận định, nếu việc cô lập Kherson bằng việc phá những cây cầu là một thách thức, thì việc chiếm giữ nó còn khó khăn hơn. Nga cho thấy họ sẵn sàng tiến hành các biện pháp cứng rắn ở các thành phố như Mariupol và Severodonetsk trước khi kiểm soát chúng, còn với Ukraine, đó rõ ràng không phải là lựa chọn tốt trên chính lãnh thổ của mình.

Rõ ràng, trước mắt, Ukraine cũng chưa có được vũ khí tầm xa hơn có thể tạo điều kiện cho đà tiến công hiệu quả và nhanh chóng hơn. Trong khi đó, năng lực phòng không của Ukraine hạn chế và phải dựa vào lực lượng mặt đất để đối phó với lực lượng Nga đã kiểm soát Kherson gần 5 tháng qua.

Phương Tây đang tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng tốc độ chuyển giao chậm hơn so với nhu cầu của Kiev. Sự xuất hiện của HIMARS phần nào đưa cán cân quân sự ở chiến trường Ukraine về gần mức cân bằng, nhưng để giành lại Kherson, Ukraine vẫn đối mặt không ít thách thức.

Trước các đợt phản công của Ukraine, quân đội Nga đang tăng cường lực lượng phòng không ở Kherson đồng thời khắc phục những tổn thất do các cuộc pháo kích của Kiev gây ra. Moscow nhanh chóng sửa chữa cầu dẫn vào Kherson và dựng lên cầu phao dự phòng.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine