Georgia cảnh báo nguy cơ trở thành "Ukraine thứ 2"
(Dân trí) - Quốc gia Liên Xô cũ Georgia cho rằng chừng nào chiến sự ở Ukraine còn diễn ra, sẽ luôn có nỗ lực từ bên ngoài nhằm biến Tbilisi thành mặt trận chống Nga thứ 2.
Tbilisi đã tránh được "kịch bản Ukraine", nhưng cuộc đấu tranh để duy trì hòa bình trong nước vẫn đang tiếp tục, Hội đồng chính trị thuộc đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - Georgia Dân chủ, cho biết.
"Với những nỗ lực lớn cũng như bằng một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, Georgia đã tránh được kịch bản giống như Ukraine. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vì hòa bình vẫn tiếp diễn, và trận chiến này cần phải được đưa đến hồi kết", tuyên bố cho biết.
Theo đảng trên, miễn là chiến sự ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn, luôn có nguy cơ xuất hiện một mặt trận chống Nga thứ 2 ở Georgia. Đảng trên kêu gọi người dân Georgia phải chiến đấu đến cùng để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Tuyên bố cũng đề cập đến những nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm gây bất ổn trên toàn cầu. Theo đảng trên, Ukraine "từng có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và nền kinh tế gần 200 tỷ USD trước năm 2014, nhưng ngày nay gần như bị phá hủy, trong khi những người đứng sau cuộc đảo chính Maidan không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về điều này".
Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze cho biết, một kịch bản tương tự như cuộc đảo chính Maidan ở Ukraine không thể được thực hiện ở Georgia vì các thể chế của đất nước này rất mạnh và người dân khôn ngoan.
"Những kẻ cực đoan và những nhà tài trợ nước ngoài của họ đã nhiều lần cố gắng bịa ra một cái cớ để cố gắng dàn dựng các cuộc bạo loạn để biến Georgia thành một Ukraine khác.
Họ vẫn chưa nhận ra rằng không giống như Ukraine năm 2013, Georgia là một quốc gia độc lập với các thể chế mạnh mẽ và quan trọng nhất là những con người khôn ngoan, những người có quyết tâm không ai có thể lay chuyển. Kịch bản giống như Maidan không thể được thực hiện ở Georgia", ông tuyên bố.
Giữa năm ngoái, quốc hội Georgia thông qua "dự luật minh bạch về tầm ảnh hưởng của nước ngoài". Luật này yêu cầu các cá nhân và tổ chức, trong đó có các hãng truyền thông, nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức chịu ảnh hưởng từ nước ngoài".
Luật này đã khiến căng thẳng giữa Georgia và phương Tây không ngừng leo thang trong thời gian qua. Mỹ cho rằng nó sẽ làm suy yếu quyền tự do ngôn luận ở Georgia trong khi EU cảnh báo quốc gia Liên Xô cũ về triển vọng gia nhập liên minh.
Đến tháng 11/2024, Georgia quyết định tạm dừng các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và từ chối các khoản hỗ trợ tài chính từ khối này cho đến năm 2028.
Mặt khác, trong những năm qua, chính quyền Georgia đã có những bước đi nhằm làm dịu căng thẳng với nước láng giềng Nga, sau cuộc chiến 5 ngày giữa 2 quốc gia hồi năm 2008.
Tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ám chỉ rằng nước này có thể đàm phán để rút quân khỏi Abkhazia và Nam Ossetia, các khu vực ly khai của Georgia có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Moscow kể từ năm 2008.
Ông Lavrov cũng khẳng định Nga sẵn sàng giúp đỡ cho việc giúp Georgia hòa giải với Abkhazia và Nam Ossetia.