1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gạt "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, ông Biden quyết đưa "Nước Mỹ trở lại"

Minh Phương

(Dân trí) - Ông Biden và nội các trong nhiệm kỳ tới sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong mục mục tiêu đưa "Nước Mỹ trở lại" sau khi gạt bỏ chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.

Gạt Nước Mỹ trên hết của ông Trump, ông Biden quyết đưa Nước Mỹ trở lại - 1
Ông Joe Biden công bố các nhân vật được đề cử cho các vị trí quan trọng trong chính quyền tương lai. (Ảnh: Reuters)

Khi công bố các ứng viên nội các cho chính quyền tương lai, ông Joe Biden đã tuyên bố sẽ đưa "Nước Mỹ trở lại" vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế, đối lập với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

Nhưng đội ngũ mà ông Biden lựa chọn cho các vị trí quan trọng trong chính quyền tương lai chắc chắn sẽ sớm phải đối mặt với núi thách thức khi tình hình thế giới đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với cách đây 4 năm.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên dường như đã có tiến triển bất chấp những bức thư với lời lẽ "có cánh" của lãnh đạo hai bên. Việc ông Trump vội vã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan khi chính quyền sở tại vẫn trong quá trình hòa đàm với Taliban sẽ khiến người kế nhiệm khó xoay xở hơn. Không tổng thống Mỹ nào muốn rơi vào tình thế phải đưa quân trở lại Afghanistan.

Đó là chưa kể đến các lệnh trừng phạt mới áp đặt lên Iran có thể khiến quan hệ giữa Washington và Tehran căng thẳng hơn và khiến chính quyền của ông Biden sẽ khó khăn hơn khi theo đuổi mục tiêu đưa Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Mặc dù ông Biden phát tín hiệu sẽ khôi phục thỏa thuận nhưng đến nay Iran phát đi những thông điệp trái ngược. Ngoài ra, việc Mỹ liệt nhóm Houthi ở Yemen vào danh sách khủng bố có thể đe dọa đến bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm giúp chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Một thách thức không nhỏ nữa là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn các hành động bành trướng của Bắc Kinh ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông, nhưng không để ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc.

Đại dịch Covid-19 cũng có xu hướng diễn biến phức tạp hơn. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận hơn 268.000 người chết và hơn 13,1 triệu ca mắc Covid-19. Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, những nhân vật được ông Biden lựa chọn cho các vị trí quan trọng về an ninh quốc gia và đối ngoại cho thấy mong muốn của ông là lập lại trật tự và coi trọng năng lực, kinh nghiệm. Antony Blinken, người được lựa chọn cho chức ngoại trưởng, là một nhân vật quen thuộc với nhiều lãnh đạo quốc tế do từng phục vụ trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama ở cương vị thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia. Ông Blinken có thời gian làm việc gần 20 năm với ông Biden. Ông Blinken được cho là sẽ khẳng định lại cam kết với các đồng minh lâu năm của Mỹ rằng Washington lấy lại vị thế để kiềm chế các mối đe dọa.

Ông Biden cũng lựa chọn bà Avril Haines cho vị trí giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia, ông Jake Sullivan cho chức cố vấn an ninh quốc gia, bà Linda Thomas-Greenfield cho chức đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ông Alejandro Mayorkas cho chức bộ trưởng an ninh nội địa. Chức bộ trưởng quốc phòng có thể sẽ được gửi gắm cho bà Michele Flournoy, một cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời ông Obama, hoặc một nhân vật kỳ cựu khác trong chính quyền ông Obama là Jeh Johnson. Cho dù ai được lựa chọn thì một điều chắc chắn rằng họ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn phía trước để thực hiện cam kết "Đưa nước Mỹ trở lại" như cam kết mà ông Biden đưa ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm