1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Núi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà Trắng

Minh Phương

(Dân trí) - Trước khi tiếp quản Nhà Trắng với núi thách thức khổng lồ, ông Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý mà chiến dịch của đối thủ Donald Trump phát động nhằm thách thức kết quả bầu cử.

Núi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà Trắng - 1
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đối mặt hàng loạt thách thức khi tiếp nhận nhiệm sở. (Ảnh: Reuters)

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden chính thức đắc cử tổng thống Mỹ ngày 7/11 sau khi kết quả công bố cho thấy ông giành được ít nhất 290 phiếu đại cử tri. Đây được coi là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của chính trị gia 77 tuổi này. Tuy nhiên, giới quan sát cũng dự đoán ông Biden sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức khi trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Ông Biden sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi tiếp quản nước Mỹ, từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế suy giảm và một đất nước chia rẽ sâu sắc.

"Thách thức điều hành nước Mỹ năm 2021 sẽ rất lớn", Meena Bose, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thuộc Đại học Hofstra, nhận định.

Cuộc chiến pháp lý

Trước khi chính thức bước vào Nhà Trắng, ông Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý nhằm bảo vệ chiến thắng của mình cho đến khi quốc hội Mỹ chính thức tuyên bố người đắc cử vào đầu tháng 1 sau khi Đại cử tri đoàn bỏ phiếu vào 14/12.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại, ngược lại tuyên bố sẽ bắt đầu các vụ kiện tụng từ ngày 9/11. Đến nay, ông Trump tiếp tục cáo buộc có gian lận bầu cử, tìm cách thách thức kết quả bầu cử ở nhiều bang chiến trường - những bang đã mang lại chiến thắng cho ông Biden vào phút chót. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, cuộc chiến pháp lý cũng không thể giúp ông Trump xoay chuyển tình hình.

Núi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà Trắng - 2
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: AFP)

Bất chấp việc Tổng thống Trump đến nay vẫn chưa thừa nhận thất bại, ngay sau khi truyền thông xướng tên người chiến thắng, Tổng thống đắc cử Biden nhấn mạnh việc cử tri Mỹ đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục là minh chứng cho thấy "những nhịp đập dân chủ sâu trong trái tim của nước Mỹ". Ông cũng kêu gọi sự đoàn kết dân tộc: “Khi chiến dịch kết thúc, đã đến lúc dẹp bỏ sự phẫn nộ và những lời lẽ gay gắt lại phía sau và xích lại gần nhau như một đất nước. Giờ là lúc để nước Mỹ đoàn kết và hàn gắn".

Thách thức chuyển giao quyền lực

Một trong những thách thức đầu tiên mà ông Biden phải đối mặt là xây dựng nội các.

Ông sẽ phải xây dựng một bộ máy chính phủ khi Thượng viện có thể tiếp tục do đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện chắc chắn sẽ có ít đồng minh của đảng Dân chủ hơn và mộ công chúng bao gồm hơn 70 triệu người vẫn muốn ông Trump làm tổng thống. Một vấn đề nữa đặt ra là liệu chính quyền tiền nhiệm có sẵn sàng cho một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ hay không. Đây là quá trình đòi hỏi sự hợp tác giữa chính quyền sắp mãn nhiệm với chính quyền kế nhiệm kể cả khi họ thuộc hai chính đảng khác nhau.

Ông Biden sẽ đối mặt với sức ép xây dựng bộ máy trong thời gian 10 tuần trước ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2021. Ông được cho là sẽ nhanh chóng công bố các lựa chọn nội các và trợ lý thân tín để giải quyết các thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt, trong đó có đại dịch Covid-19.

Các cố vấn nói, ông Biden sẽ tập hợp một trong những nội các đa dạng nhất trong lịch sử nước Mỹ, song đây chắc chắc sẽ là nhiệm vụ nhiều sức ép và cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Nếu đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện, ông Biden sẽ đối mặt với thách thức trong việc được thông qua một số đề cử quan trọng trong nội các. Hơn nữa, một quốc hội với chia rẽ đảng phải sâu sắc sẽ gây trở ngại cho ông Biden khi tìm cách thông qua các dự luật trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm sở.

Frances Lee, giáo sư tại Đại học Princeton, bình luận: “Hiếm khi một tổng thống nhận nhiệm sở trong tình huống như này, chính đảng của tổng thống mất một số ghế trong Hạ viện và không có quyền kiểm soát Thượng viện. Sẽ là một thách thức lớn với ông Biden trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ”.

Xây dựng lại kinh tế, hàn gắn đất nước và đối phó đại dịch

Núi thách thức khổng lồ chờ ông Biden ở cánh cửa Nhà Trắng - 3
Nước Mỹ rúng động bởi các cuộc biểu tình sắc tộc. (Ảnh: Getty)

Ông Biden sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng khi rạn nứt trong lòng nước Mỹ ngày càng lớn, kinh tế suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch trong khi đó tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng sau khi gần 240.000 người Mỹ tử vong vì đại dịch này.

Steve Israel, một cố vấn tranh cử của ông Biden, cho biết 3 ưu tiên ban đầu của ông Biden khi tiếp quản chính phủ gồm: đối phó đại dịch Covid-19, xây dựng lại nền kinh tế và hàn gắn một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.

Trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, kinh tế Mỹ đã có những khởi sắc nhất định, tuy nhiên, Covid-19 đã làm tiêu tan những thành tựu của vị tổng thống xuất thân từ giới kinh doanh. Kinh tế Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hàng chục năm qua. Thách thức của ông Biden là làm thế nào để khôi phục kinh tế như khẩu hiệu mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (“Build back better").

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ phải tìm cách khôi phục lại vị thế của Mỹ trên trường quốc tế sau khi nước Mỹ dưới thời ông Trump đã rút khỏi hàng loạt hiệp ước, thỏa thuận quốc tế như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước Paris về Biến đổi khí hậu, hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay với các đồng minh.

Tất cả những nỗ lực này sẽ góp phần đáng kể giúp ông Biden giải quyết thách thức lớn nhất đó là hàn gắn rạn nứt trong lòng nước Mỹ. Ông Biden sẽ bắt đầu nhiệm sở trong bối cảnh sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn cách đây 4 năm khi ông Trump đắc cử.

Bản thân cuộc bầu cử năm nay đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc đó chưa kể đến các làn sóng biểu tình sắc tộc. Barbara Perry, Giám đốc Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, nhận định: “Trừ thời nội chiến, tôi nghĩ chúng ta chưa trải qua thời kỳ nào chia rẽ sâu sắc như thế này”.