1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

G7 từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Đức tuyên bố G7 không chấp nhận thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp.

G7 từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp - 1

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh năm 2021 (Ảnh: G7).

"Tất cả bộ trưởng G7 hoàn toàn nhất trí rằng đây là hành động đơn phương và rõ ràng đã vi phạm các thỏa thuận hiện có", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các phóng viên hôm 28/3.

Bộ trưởng Habeck cho rằng "việc thanh toán bằng đồng rúp là không thể chấp nhận được" và các nước thành viên G7 (gồm Đức, Anh, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ) sẽ hối thúc các công ty liên quan "không tuân theo" yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước.

Tổng thống Putin tuyên bố các nước "thiếu thân thiện" với Nga sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, bắt đầu từ 31/3.

Ông Putin cho biết quyết định này có nghĩa là Nga sẽ loại bỏ tất cả các loại tiền tệ có thể gây tổn hại cho mình trong các thanh toán như vậy.

Theo Tổng thống Nga, những thay đổi trong hợp đồng khí đốt với các quốc gia, vùng lãnh thổ không thân thiện sẽ chỉ ảnh hưởng đến đồng tiền thanh toán bị buộc chuyển sang đồng rúp.

Nhà lãnh đạo Nga giao thời hạn một tuần để chính phủ và ngân hàng trung ương nước này lên phương án thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom được lệnh đưa thay đổi này vào các hợp đồng. Mặt khác, ông nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác theo khối lượng và giá cả quy định trong các hợp đồng đã ký kết.

Tổng thống Putin nói rằng, những tuần qua, một số quốc gia phương Tây đã đưa ra các quyết định bất hợp pháp về cái gọi là "đóng băng tài sản" của Nga và điều này đã vạch ra một ranh giới về mức độ tin cậy của các tiền tệ của họ. Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, trong điều kiện đó, việc Nga cung cấp khí đốt và các hàng hóa khác cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bằng USD, Euro hay một số tiền tệ khác là vô nghĩa. 

Giới phân tích cho rằng, động thái trên là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm gây áp lực đối với phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.

Trước đó, Nga đã công bố danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Moscow coi là "không thân thiện" do áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Danh sách này gồm Mỹ, Canada, các nước EU, Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan.

Việc Nga quyết định chỉ nhận thanh toán bằng rúp đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" được cho là chủ yếu tác động đến châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng cũng thừa nhận điều này không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.

Nga hứng hàng loạt lệnh trừng phạt kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Điện Kremlin mới đây thừa nhận, Nga đang trải qua một "cú sốc" kinh tế do các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine