1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nói đường ống khí đốt của Nga sang châu Âu "đã chết"

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ nói đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Đức đã "chết" khi Washington áp lệnh trừng phạt với Moscow.

Mỹ nói đường ống khí đốt của Nga sang châu Âu đã chết - 1

Các nhân viên thực hiện dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 tại Nga năm 2019 (Ảnh: Reuters).

"Tôi nghĩ Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) bây giờ đã chết", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói với các nhà lập pháp hôm 8/3 về dự án đường ống khí đốt của Nga.

"Nó chỉ còn là một đống kim loại dưới đáy biển và tôi nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ hồi sinh", bà Nuland nói thêm.

Tuyên bố trên được đưa ra cùng ngày Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng nghĩa với việc dầu mỏ Nga sẽ không được chấp nhận ở các cảng của Mỹ.

Tổng thống Biden dự đoán, lệnh cấm vận này sẽ khiến giá năng lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ làm mọi việc có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Ông cũng cảnh báo các doanh nghiệp năng lượng trong nước lợi dụng tình hình để trục lợi, thao túng giá.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cảnh báo, lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ là "thảm họa" với thị trường toàn cầu, giá dầu có thể vọt lên hơn 300 USD/thùng. Ông cũng khẳng định, Nga vẫn có thể tìm kiếm các thị trường thay thế nếu phương Tây cấm vận năng lượng của Moscow.

Mỹ nói đường ống khí đốt của Nga sang châu Âu đã chết - 2

Sơ đồ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (màu xanh) và 2 (màu tím) (Ảnh: BBC).

Dòng chảy Phương Bắc 2 - dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) chạy dưới biển Baltic - là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các khách hàng tại châu Âu. Dự án được ký kết vào năm 2005, chạy song song với Dòng chảy Phương Bắc 1 vốn đã đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng có công suất lớn hơn. Nga đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD cho Dòng chảy Phương Bắc 2.

Tháng 9/2021, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Alexay Miller thông báo đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành hạng mục xây dựng và đang chờ "cái gật đầu cuối cùng" từ Đức và Liên minh châu Âu (EU) trước khi được đưa vào vận hành. Khi đường ống này đi vào vận hành, nó sẽ giúp Nga chuyển việc xuất khẩu khí đốt khỏi tuyến đường trung chuyển qua các nước trung gian từng thuộc Liên Xô.

Xuất khẩu dầu và khí đốt mang lợi 40% tổng ngân sách cho Nga. Nếu dự án vận hành, nó sẽ chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trực tiếp từ Nga tới châu Âu. Gazprom ước tính mỗi năm họ có thể thu về hơn 15 tỷ USD từ dự án.

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, Nga muốn Dòng chảy Phương Bắc 2 được vận hành thành công vì nếu việc chuyển khí đốt suôn sẻ, Nga có thể chứng minh được họ là đối tác đáng tin cậy với EU, diễn biến có thể giúp cải thiện quan hệ giữa 2 bên vốn đang căng thẳng.

Khi dự án đường ống dài 1.200 km được công bố, Nga và Đức đã khẳng định rằng đây là một dự án có mục đích kinh doanh thuần túy. Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau 7 năm, nó lại đang trở thành "vũ khí trong cuộc khủng hoảng địa chính trị" trong khu vực. 

Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - quan chức phụ trách lĩnh vực năng lượng của Nga, cảnh báo Moscow có thể khóa van đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Theo ông Novak, Nga có quyền hành động để đáp trả những biện pháp trừng phạt mà các bên áp lên nền kinh tế nước này sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.

Theo AFP