1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga có thể dừng chiến dịch tại Ukraine sau lệnh cấm vận của Mỹ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số nhà phân tích đặt ra giả thuyết rằng việc Mỹ áp lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ khiến Moscow phải dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nga có thể dừng chiến dịch tại Ukraine sau lệnh cấm vận của Mỹ? - 1

Giá xăng dầu thế giới có thể tăng vọt sau lệnh cấm vận của Mỹ đối với nguồn cung năng lượng từ Nga (Ảnh: AP).

Trong khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn đang leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố Mỹ sẽ dừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ là cách khả thi nhất, thậm chí là duy nhất, để buộc Nga phải dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, khả năng này được cho là khó xảy ra nếu Mỹ và châu Âu không đồng lòng trong việc cùng áp lệnh cấm vận năng lượng của Nga.

Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ hiệu quả nhất nếu các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng áp đặt biện pháp tương tự, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu cũng đang nỗ lực để ngăn chặn xung đột ở Ukraine và đối phó với sức mạnh của Nga tại lục địa này.

Mặc dù Anh ngày 8/3 cũng thông báo sẽ hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, song viễn cảnh châu Âu "nối gót" Mỹ để áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với nguồn năng lượng từ Nga được cho là khó xảy ra.

Không giống như Mỹ, châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê Út. Trong khi Mỹ có thể tìm đến nhà cung cấp khác để thay thế lượng nhiên liệu tương đối nhỏ mà họ nhận được từ Moscow, thì châu Âu không thể làm như vậy, ít nhất là trong tương lai gần.

Hơn nữa, bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng có thể khiến giá xăng dầu tăng cao hơn bao giờ hết ở cả châu Âu và châu Mỹ, đồng thời tác động mạnh mẽ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Theo hãng tin AP, tác động của lệnh cấm vận do Mỹ đưa ra đối với Nga có thể sẽ ở chỉ mức tối thiểu. Mỹ cho đến nay vẫn chỉ nhập khẩu một phần nhỏ lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Do lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Nga còn khiêm tốn, nên Nga có khả năng sẽ cung cấp dầu cho những nơi khác, có thể ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, Nga có thể sẽ phải bán dầu với mức chiết khấu cao, vì ngày càng ít nước chấp nhận mua dầu của Nga.

Trong khi đó, lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây hậu quả "đau đớn" cho châu Âu. Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 1/4 nhu cầu dầu mỏ. Giới chức châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, nhưng việc này sẽ mất nhiều thời gian.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/3 cảnh báo việc nhập khẩu năng lượng Nga là thiết yếu với châu Âu và lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ có thể đẩy an ninh năng lượng châu Âu vào tình thế nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 8/3 tuyên bố việc phương Tây cấm dầu Nga sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng vì động thái này có thể đẩy giá dầu tăng vọt. Ông Novak cho biết, việc nhanh chóng thay thế dầu Nga trên thị trường châu Âu là "bất khả thi". Ông ước tính châu Âu sẽ phải mất một năm để làm được điều này và giá cả sẽ đắt đỏ hơn nhiều với người tiêu dùng châu Âu.

Nhà Trắng cũng thừa nhận sẽ khó để Mỹ và đồng minh có một lệnh trừng phạt đồng bộ nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vấn đề về nguồn cung năng lượng rất khác nhau giữa Mỹ và châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga, trong khi Mỹ có những nguồn khác và lượng dầu Washington nhập từ Nga không cao.

Theo SCMP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine