1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU tuyên bố hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức ngoại giao cấp cao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này đã hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.

EU tuyên bố hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga - 1

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell (Ảnh: Reuters).

Tass đưa tin, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nói rằng khối này đã hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.

"Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn năng lượng tăng giá cực kỳ căng thẳng, nhưng giá năng lượng đang quay trở lại như thời kỳ trước chiến sự Nga - Ukraine", ông nói.

"Giá khí đốt đang ngang bằng với mức trước chiến sự, vốn đã rất cao. Giá cao "tàn khốc" ở mức đỉnh vào tháng 8 phần lớn là do căng thẳng đầu cơ trên thị trường gây ra", ông nhấn mạnh.

Ông Borrell cho biết, căng thẳng trên thị trường năng lượng giờ đây không còn là do tình hình ở Ukraine, mà là vấn đề cấu trúc của ngành và đặc biệt là mối tương quan giữa giá khí đốt và giá điện. Ông hy vọng Ủy ban Châu Âu sẽ sớm đưa ra đề xuất để khắc phục tình hình.

Vài tháng sau chiến sự Nga - Ukraine, châu Âu từng tuyên bố đã thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moscow bằng các nguồn khác, nhưng giới chuyên gia nhận định về lâu dài châu Âu vẫn phải đối mặt với thách thức nhất định.

Để thay thế khí đốt của Nga nhập qua đường ống, châu Âu đã tăng nhập LNG từ Mỹ trong thời gian qua.

Ủy ban châu Âu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2022, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ đã tăng gần 80%.

Mặt khác, các chuyên gia từ công ty nghiên cứu Kpler của Anh cảnh báo rằng việc thay thế khí đốt chảy qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ làm chi phí năng lượng của châu Âu tăng vọt. Khác với khí đốt chảy qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến nó có giá cao gấp vài lần.

Các chi phí hóa lỏng, vận chuyển cũng đẩy giá LNG lên cao hơn nhiều lần. Trước đó, cả Pháp và Đức từng phàn nàn về việc Mỹ đang bán LNG cho các đồng minh và đối tác ở châu Âu với giá cao gấp vài lần so với thị trường nội địa.

Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2/2022.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine