1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU nhất trí áp giá trần với dầu Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga nhằm gây sức ép lên nguồn thu chính của Moscow.

EU nhất trí áp giá trần với dầu Nga - 1

Một giếng dầu của Nga (Ảnh: AP).

"Hôm nay, EU, G7 và các đối tác toàn cầu khác nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/11 xác nhận trên Twitter.

Bà Leyen nhấn mạnh, việc áp giá trần này sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt Nga, làm giảm doanh thu của Nga, ổn định thị trường năng lượng bằng cách cho phép các nhà khai thác có trụ sở tại EU vận chuyển dầu đến nước thứ ba với điều kiện giá dầu giao dịch dưới mức trần.

Xác nhận được đưa ra sau khi Reuters dẫn thông tin từ giới ngoại giao châu Âu cho biết, các nước thành viên EU nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ nhập khẩu qua đường biển từ Nga.

Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận được, giá trần sẽ được đánh giá vào giữa tháng 1 và cứ tiếp tục sau đó hai tháng, để đánh giá cách thức hoạt động của cơ chế này và ứng phó kịp thời với những bất ổn có thể xảy ra trên thị trường dầu mỏ.

Tài liệu cho biết, "thời kỳ chuyển tiếp" 45 ngày sẽ áp dụng cho các tàu chở dầu thô có nguồn gốc từ Nga đã được bốc hàng trước ngày 5/12 và dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19/1/2023. Cơ chế giá trần này sẽ được áp dụng từ ngày 5/12, thay thế lệnh cấm hoàn toàn của EU đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga thông qua đường biển.

Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc áp trần giá dầu, trang ABC News dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu mức giá trần dao động từ 65-70 USD/thùng, Nga vẫn có thể bán dầu và duy trì lợi nhuận như hiện tại. Thực tế, dầu thô của Nga đang giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent trên thị trường quốc tế.

Nếu mức trần thấp hơn, khoảng 50 USD/thùng, khi đó Nga sẽ khó khăn hơn trong việc cân đối ngân sách bởi để làm được điều này, Moscow cần giá dầu duy trì trong khoảng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất ước tính 30-40 USD/thùng của Nga, do đó Moscow có thể vẫn chấp nhận bán dầu để tránh thiệt hại lớn hơn.

Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ việc áp trần giá dầu và cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho bất cứ nước nào áp dụng giá trần. Moscow hiện chưa bình luận về động thái của EU.

Theo Reuters, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine