EU thông qua chiến lược phòng thủ giữa lúc chiến sự Nga-Ukraine căng thẳng
(Dân trí) - Chiến lược phòng thủ vừa được thông qua cho phép lập ra một lực lượng tác chiến chung của Liên minh châu Âu (EU) gồm 5.000 binh sĩ, mở đường cho sự ra đời của một quân đội chung.
RT đưa tin, ngày 21/3, EU đã thông qua một chiến lược phòng thủ chung nhằm tăng cường năng lực ứng phó của quân đội trong bối cảnh chiến sự đã quay trở lại châu Âu.
"Mối đe dọa đang tăng lên từng ngày và cái giá của việc không hành động rất rõ ràng", Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết và cho rằng chiến lược phòng thủ chung vừa được thông qua vạch rõ những mục tiêu an ninh và quốc phòng của khối đến năm 2030.
Chiến lược phòng thủ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa quân đội các nước trong khối, thúc đẩy hợp tác với NATO, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đầu tư chung.
Chiến lược phòng thủ chung cũng cho phép thành lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 binh sĩ của EU. Lực lượng này sẽ thay thế các nhóm tác chiến hiện tại của EU lập ra từ năm 2007 nhưng chưa bao giờ sử dụng. Việc thành lập này sẽ mở đường cho sự ra đời của một quân đội chung của EU. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề xuất lập một quân đội chung của EU, nhằm giảm phụ thuộc vào NATO - một liên minh quân sự mà ông cho rằng đã "chết não".
Thực tế, kế hoạch phòng thủ chung của EU đã được đề xuất từ năm 2020, nhưng vấp phải sự phản đối của một số nước Đông Âu muốn dựa vào lực lượng của NATO và Mỹ để đáp ứng các nhu cầu phòng vệ.
Đầu tháng này, ông Macron một lần nữa kêu gọi thành lập lực lượng tác chiến riêng của EU, tách biệt với NATO. Nhà lãnh đạo Pháp lập luận, xung đột ở Ukraine đã "thay đổi thời đại" của EU. Tuy vậy, các nước Đông Âu vẫn khẳng định quan điểm cần dựa vào NATO để đảm bảo các nhu cầu quốc phòng. Phó Thủ tướng Ba Lan Piotr Glinski nói, EU chưa sẵn sàng cho xung đột và bình luận của ông Macron có nguy cơ "gây bất ổn châu Âu".
Xung đột Nga - Ukraine bùng nổ gần đây dường như đã làm đẩy nhanh tốc độ phê chuẩn kế hoạch phòng thủ của EU. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng buộc NATO có những động thái chưa từng có nhằm tăng cường lực lượng cho sườn Đông của khối. Tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 25/2 thông báo liên minh này đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh gồm 40.000 quân để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên NATO triển khai lực lượng này.
"Các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ và theo đó, chúng tôi đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh với bất kỳ tình huống bất ngờ nào", ông Stoltenberg nói. Người đứng đầu NATO cho biết thêm rằng, động thái trên nhằm ngăn xung đột ở Ukraine lan sang lãnh thổ NATO.