EU nêu thời điểm sẽ ngừng nhập khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine
(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng mua khí đốt từ Nga được trung chuyển qua Ukraine, vốn dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Ủy viên Năng lượng Châu Âu Kadri Simson phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Nghị viện EU hôm 14/2 rằng EU không có ý định gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với Nga trung chuyển qua Ukraine khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm nay.
Điều đó có nghĩa là EU dự kiến sẽ ngừng nhập khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine vào cuối năm 2024.
Trước đó, quan chức Simson đã gặp Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng Cơ quan Năng lượng Quốc tế thường niên tại Paris vào ngày 13/2.
Trong cuộc hội đàm với quan chức Ukraine, bà Simson nhấn mạnh rằng các nước thành viên EU đang lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của họ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Galushchenko nói rằng Ukraine "sẽ có cách đối phó nếu hợp đồng trung chuyển dừng lại".
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc hết hạn hợp đồng này từ 2 năm nay. Trọng tâm của chúng tôi là đa dạng hóa nguồn cung cấp và hội nhập thị trường năng lượng của Ukraine vào EU", ông nhấn mạnh.
Bất chấp nhiều cam kết của EU về việc ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga và nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này liên quan đến cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vẫn bán khí đốt tới khối này theo thỏa thuận 5 năm đạt được vào năm 2019.
Tuyến đường ống qua Ukraine và nhánh TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ là 2 tuyến còn lại đưa khí đốt của Nga đến Trung và Tây Âu. Các quan chức Ukraine trước đó giải thích rằng thỏa thuận vận chuyển hiện tại qua lãnh thổ nước này được duy trì do nhu cầu khí đốt của Cộng hòa Séc, Áo và Slovakia.
Tuy nhiên, quyết định không gia hạn hợp đồng vận chuyển hiện tại sẽ làm giảm thêm khả năng tiếp cận khí đốt qua đường ống của EU và có thể làm khối phải tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn, bao gồm cả từ Nga.
Trong khi đó, Ukraine có nguy cơ bị mất hàng tỷ USD doanh thu từ phí trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Trước đó, Guardian hồi tháng 8/2023 nói rằng, dù đã giảm mạnh mua khí đốt chảy qua đường ống của Nga, nhưng châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng việc nhập LNG từ Moscow trong thời gian qua.
Cụ thể, vào thời điểm đó, lượng khí LNG mà châu Âu nhập từ Nga đã tăng 40% kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022 bất chấp nỗ lực của EU nhằm gây áp lực lên nguồn thu chính của Nga.
Đức và Bỉ, 2 quốc gia được xem là cửa ngõ chính cung cấp LNG cho khối, đã trở thành khách hàng lớn thứ 2 và 3 của Nga, sau Trung Quốc.
Các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống của Nga, nhưng lại quay sang nhập LNG từ nhiều nguồn, trong đó có Moscow vì LNG là mặt hàng không bị trừng phạt.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo rằng việc mua LNG sẽ làm chi phí năng lượng của châu Âu tăng vọt.
Khác với khí đốt chảy qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến nó có giá cao gấp vài lần. Các chi phí hóa lỏng, vận chuyển cũng đẩy giá LNG lên cao hơn nhiều lần.