1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức thẳng thắn nói "không" với giấc mơ của Ukraine về loại vũ khí đặc biệt

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Khi đối mặt với chất vấn từ các nhà lập pháp Đức vào ngày 13/3, Thủ tướng Olaf Scholz một lần nữa nói "không" với việc chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Đức thẳng thắn nói không với giấc mơ của Ukraine về loại vũ khí đặc biệt - 1

Tên lửa hành trình Taurus của Đức (Ảnh: MBDA).

Ông Scholz nói: "Thận trọng không phải là điều mà người ta có thể coi là điểm yếu. Thận trọng là điều mà công dân nước ta được hưởng".

Ngày 14/3, Bundestag - Hạ viện của Quốc hội Đức - đã bỏ phiếu chống lại đề nghị gửi Taurus đến Kiev lần thứ ba trong năm 2024.

Ukraine đã đề nghị Berlin cung cấp một trong những tên lửa tầm xa mạnh nhất vào cuối tháng 5/2023 nhưng nhận được phản hồi không chắc chắn và sau đó là những lời từ chối nhất quán.

Gần một năm sau, Kiev phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, điều này đã góp phần khiến thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka ở Donetsk thất thủ và có thể gây ra nhiều tổn thất hơn.

Điều gì đằng sau sự tha thiết của Ukraine về việc muốn nhận Taurus và tại sao Đức liên tục từ chối cung cấp loại vũ khí đặc biệt này cho Kiev?

Uy lực mạnh mẽ

Taurus là tên lửa hành trình do Đức - Thụy Điển cùng hợp tác sản xuất, có tầm bắn hơn 500km, vượt xa khả năng của các tên lửa khác của phương Tây mà Ukraine đang sử dụng.

Storm Shadow của Anh, cùng với SCALP tương đương của Pháp, có tầm bắn lên tới 250km, trong khi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được Mỹ chuyển giao cho Ukraine chỉ có thể bay được khoảng 160km.

Với lợi thế này, Taurus sẽ giúp Ukraine tấn công nhiều mục tiêu hơn ở các vùng lãnh thổ bị kiểm soát và trên lý thuyết cũng có thể vươn sâu vào lãnh thổ Nga. Sau khi phóng, quả đạn bay ở độ cao 35m, khiến radar khó phát hiện và giúp nó vượt qua các hệ thống phòng thủ.

Taurus được thiết kế để tấn công các mục tiêu dưới lòng đất và được bảo vệ bởi mạng lưới phòng không dày đặc, bao gồm các sở chỉ huy và cầu của đối phương. Cầu Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea), tuyến đường cung cấp và vận chuyển quan trọng cho lực lượng Nga tới Crimea và các vùng lãnh thổ bị kiểm soát khác, có thể trở thành mục tiêu nếu Kiev được trang bị loại vũ khí này.

Cây cầu Crimea dài 19km từng bị tấn công bởi xuồng không người lái hải quân Sea Baby do Ukraine sản xuất.

Chuyên gia công nghệ tên lửa Fabian Hoffmann, tại Đại học Oslo (Na Uy), cho biết: "Taurus là hệ thống vũ khí tốt nhất trong kho vũ khí của phương Tây để đánh sập các cây cầu. Vì vậy, trên lý thuyết, nếu Ukraine muốn đánh sập cầu Kerch thì Taurus sẽ là hệ thống vũ khí lý tưởng để làm điều đó".

Đức thẳng thắn nói không với giấc mơ của Ukraine về loại vũ khí đặc biệt - 2

Cầu Crimea từng bị Ukraine tấn công (Ảnh: Getty).

Được trang bị đầu đạn tinh vi, Taurus có thể được lập trình để phát nổ sau khi bắn trúng một mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như boongke và có thể xuyên qua nhiều lớp vật cản trước vụ nổ cuối cùng, để gây sát thương tối đa.

Đức được cho là có khoảng 600 tên lửa tầm xa Taurus, 150 trong số đó đã sẵn sàng triển khai.

Ukraine không sở hữu những loại máy bay phương Tây có thể mang tên lửa Đức. Theo tập đoàn chế tạo vũ khí MBDA, Taurus "có thể dễ dàng thích nghi" với các máy bay chiến đấu F-16 sắp được triển khai ở Ukraine hay Gripen, một loại máy bay Thụy Điển đang được xem xét chuyển giao và đã được các phi công Ukraine thử nghiệm thành công.

Các chuyên gia tin rằng Taurus khó có thể thay đổi "cuộc chơi" và Ukraine cần nó chủ yếu để bổ sung kho vũ khí tầm xa của mình.

"Storm Shadow, SCALP EG, sớm hay muộn thì chúng cũng sẽ cạn kiệt. Taurus là một tên lửa hành trình đầy uy lực khác mà người Ukraine có thể sử dụng để mở rộng khả năng tấn công tầm xa của mình. Đây là một lợi thế chính", ông Hoffmann nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron đã đề xuất ý tưởng trao đổi vòng tròn, có nghĩa là London cung cấp thêm cho Ukraine tên lửa Storm Shadow để đổi lấy việc Đức bổ sung vào kho tên lửa tầm xa của Anh.

Trong khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng việc hoán đổi sẽ là một lựa chọn thì Thủ tướng Scholz lại bác bỏ ý tưởng này.

Điều lo lắng của ông Scholz

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Berlin liên tục từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, khi xung đột bùng nổ, Đức lập tức trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel tính toán rằng viện trợ quốc phòng của Đức lên tới 17,7 tỷ euro (19 tỷ USD).

Mặc dù vậy, việc cung cấp các loại thiết giáp hạng nặng hơn như xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder luôn gặp phải sự chậm trễ kéo dài.

Kiev đã nhiều lần hứa sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói: "Chúng tôi cần Taurus phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Nga sâu trong hậu tuyến trên lãnh thổ Ukraine".

Bất chấp lời hứa của Kiev về việc không dùng tên lửa sai mục đích, ông Scholz vẫn tỏ ra lo ngại khi nói rằng Taurus có thể tấn công Moscow nếu Ukraine sử dụng. Trước đó, ông Scholz được cho là muốn cắt giảm tính năng để tên lửa không thể tấn công vào lãnh thổ Nga, Der Spiegel đưa tin. Bình luận về điều này, Đại sứ Ukraine tại Berlin Oleksii Makeyev đã so sánh với "lệnh cấm vượt qua nửa sân của đối thủ".

Chuyên gia Hoffmann nói: "Một kịch bản ác mộng đối với Thủ tướng Scholz là Ukraine sẽ sử dụng Taurus để tấn công các mục tiêu nhạy cảm về mặt chính trị bên trong Nga. Ông Scholz lo ngại rằng điều này có thể leo thang chiến tranh và đẩy Đức vào tình thế thù địch trực tiếp với Nga... Về cơ bản, điều này có nghĩa là ông Scholz thiếu niềm tin vào giới lãnh đạo Ukraine để không phá vỡ bất kỳ lời hứa nào".

Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự lạc quan rằng Thủ tướng Scholz có thể chuyển tên lửa tầm xa sang Ukraine nếu người đồng cấp Mỹ Joe Biden quyết định chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa, vốn đã có mặt trên chiến trường với số lượng nhỏ.

Trước đó, Berlin đã nối gót Washington trong việc bàn giao hệ thống phòng không Patriot đầu tiên cho Ukraine vào đầu năm 2023.

"Tôi nghĩ chủ yếu là cuộc tranh luận của người Đức và có lẽ chúng ta đã có điểm cuối cùng về những gì thủ tướng đã nói. Tôi không chắc chắn về điều đó vào lúc này", Thomas Wiegold, nhà báo và chuyên gia quốc phòng người Đức, nói với DW.

Ông Hoffmann ước tính cơ hội của Ukraine để có được tên lửa Taurus là "rất nhỏ".

Các chuyên gia tin rằng vấn đề này có thể đảo ngược chỉ khi có những thay đổi chính trị ở Đức, điều khó xảy ra trong tương lai gần.

Đức thẳng thắn nói không với giấc mơ của Ukraine về loại vũ khí đặc biệt - 3

Tiêm kích Eurofighter Typhoon của Không quân Đức mang 2 quả tên lửa hành trình Taurus (Ảnh: Không quân Đức).

Vụ bê bối rò rỉ thông tin về Taurus

Vào ngày 1/3, đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa 4 sĩ quan Đức, được kênh RT công bố, đã tạo ra một vụ bê bối ở Đức.

Họ thảo luận về giả thuyết cung cấp tên lửa tầm xa Taurus, khả năng tấn công cầu Crimea và việc huấn luyện quân đội Ukraine.

Berlin xác nhận các cuộc thảo luận nhạy cảm là có thật nhưng không thể nói liệu đoạn ghi âm dài 38 phút có bị chỉnh sửa hay không. Cuộc điều tra đã được bắt đầu.

"Đây là một cuộc tấn công thông tin kết hợp. Nó gây chia rẽ. Nó nhằm phá hoại sự đoàn kết của chúng ta. Chúng ta không được gục ngã trước (ông) Putin", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói và nhấn mạnh rằng vụ việc chỉ xảy ra một lần.

Trên thực tế, đoạn ghi âm đã bộc lộ những lỗ hổng trong an ninh liên lạc trong quân đội Đức nhưng đồng thời cũng vạch trần cái gọi là rào cản kỹ thuật, một trong những lập luận của Berlin về việc không gửi Taurus đến Ukraine.

Trong số những lý do ông Scholz đưa ra để không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine là không thể sử dụng chúng nếu không có sự tham gia của binh lính Đức. Tuy nhiên, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, những nước có sẵn Taurus, đã được huấn luyện thành công cách vận hành tên lửa mà không có sự giám sát thường xuyên của Berlin.

Chuyên gia Hoffmann nói: "Các quan chức cấp cao của Đức đã chỉ ra trong cuộc thảo luận về một số phương thức để đảm bảo rằng người Ukraine có thể sử dụng Taurus một cách hiệu quả dù có hoặc không có sự tham gia của Đức".

"Nếu Mỹ có thể quyết định cung cấp những tên lửa đó (ATACMS), có thể quan điểm của Đức cũng có thể thay đổi… Mặt khác, nếu bạn muốn sát cánh cùng các đồng minh, tại sao không sát cánh cùng Anh và Pháp? Câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ", nhà báo Wiegold nói thêm.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine