1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đức đưa ra biện pháp tình thế mới nhằm đối phó khủng hoảng khí đốt

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Để đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, chính phủ Đức đã phải đề ra nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị cho một mùa đông thiếu năng lượng.

Đức đưa ra biện pháp tình thế mới nhằm đối phó khủng hoảng khí đốt - 1
Người dân Đức đang chuẩn bị đối mặt với một mùa đông lạnh giá sau khi Nga tuyên bố cắt giảm nguồn cung khí đốt (Ảnh: The Local).

"Tất cả các công trình công cộng, ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở xã hội, sẽ không được bật máy sưởi quá 19 độ C", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 12/8.

Đây được coi là một phần trong gói giải pháp của chính phủ Đức nhằm chuẩn bị cho một mùa đông "lạnh giá" sau khi Nga quyết định giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Trước đó, nhà chức trách Đức đã tuyên bố sẽ cấm các bể bơi công cộng bật hệ thống sưởi cũng như yêu cầu các tòa nhà và đài tưởng niệm không bật đèn trang trí suốt đêm.

Đức đưa ra biện pháp tình thế mới nhằm đối phó khủng hoảng khí đốt - 2
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: Reuters).

"Những giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ tiếp tục được đưa ra trong thời gian tới", ông Habeck nói, đồng thời kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ trong việc giải quyết vấn đề cấp thiết này.

Vào giữa tháng 7, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller thừa nhận các kho dự trữ của nước này hiện không có đủ khí đốt để trụ qua mùa đông tới nếu không có thêm nguồn cung đến từ Nga.

"Lượng khí đốt trong các kho dự trữ của chúng tôi hiện chỉ đạt 65% công suất. Con số này là tốt hơn những tuần trước nhưng vẫn không đủ để giúp Đức vượt qua mùa đông sắp tới mà không cần sử dụng đến khí đốt nhập khẩu từ Nga", ông Mueller nói.

Đức đưa ra biện pháp tình thế mới nhằm đối phó khủng hoảng khí đốt - 3
Các đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức (Ảnh: Reuters).

Với việc nhập khẩu tới 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, việc Moscow giảm nguồn cung khiến cho giá khí đốt ở Đức đang ở mức cao kỷ lục, kéo theo nguy cơ về lạm phát tăng vọt. Điều này đã gây nên một tâm lý hoài nghi trong dân chúng về sự tham gia của Đức vào các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7 của hãng tư vấn INSA, 47% trong tổng số hơn 1,000 người Đức được hỏi cho biết họ tin rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây tổn hại tới Berlin nhiều hơn là với Moscow. Bên cạnh đó, 36% số người được hỏi nói các lệnh trừng phạt đang để lại những hậu quả nặng nề cho cả 2 nước.

Trước đó, vào ngày 21/6, Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 xuống còn 1,5% so với mức 3,5% được dự đoán trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Hiệp hội này cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu khó tránh khỏi suy thoái.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine