1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

IEA: Châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống Nga "khóa van" hoàn toàn khí đốt

Nhật Linh

(Dân trí) - Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông này.

BBC dẫn lời ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết ông tin rằng việc đóng cửa hoàn toàn không phải là kịch bản có khả năng xảy ra nhất nhưng châu Âu cần chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho tình huống này.

Ông Birol nói rằng ông tin là đợt cắt giảm nguồn cung khí đốt gần đây của Nga là mang tính "chiến lược". Việc nguồn cung bị "siết" khiến cho các quốc gia châu Âu khó lấp đầy các kho dự trữ và làm tăng lợi thế của Nga trong mùa đông này.

"Tôi không loại trừ khả năng Nga tiếp tục tìm kiếm các vấn đề khác ở đâu đó và tiếp tục tìm lý do để cắt giảm sâu hơn nguồn cung khí đốt cho châu Âu, thậm chí là có thể ngưng hoàn toàn", ông Birol nói với BBC.

IEA: Châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống Nga khóa van hoàn toàn khí đốt - 1

Không loại trừ khả năng Nga sẽ ngưng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào mùa đông này (Ảnh: Reuters).

Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu cho biết lượng khí đốt từ Nga mà họ nhận được đã giảm đáng kể so với kỳ vọng. Trước khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine, châu Âu nhập khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, tuy nhiên con số đó hiện đã giảm xuống còn khoảng 20%.

Tuần trước, dòng khí đốt tự nhiên qua đường ống Nord Stream 1, một trong những đường ống cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu, đã giảm xuống còn 40% công suất.

Các quan chức Nga phủ nhận đó là lỗi cố ý và đổ lỗi cho "vấn đề kỹ thuật". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ lý giải này của Nga.

Trên toàn châu Âu, việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt tiếp tục được ghi nhận. Hôm 17/6, tập đoàn năng lượng Italy Eni cho biết họ chỉ nhận được khoảng một nửa lượng khí đốt so với kỳ vọng từ Gazprom - gã khổng lồ khí đốt do nhà nước Nga kiểm soát. Trong khi đó, Slovakia và Áo cũng cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm mạnh.

Pháp cũng cho biết họ không nhận được khí đốt Nga từ Đức kể từ ngày 15/6 tới nay. Trong khi đó, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan đã bị Nga tạm ngưng cung cấp khí đốt sau khi từ chốt yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.

Tháng trước, các nước châu Âu đã thống nhất nỗ lực bảo vệ mình khỏi sự biến động của giá khí đốt bằng cách lấp đầy các cơ sở dự trữ. Họ cam kết sẽ lấp đầy ít nhất 80% công suất vào tháng 11. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất cho thấy, họ mới chỉ thực hiện được khoảng 55%.

Ông Birol nói rằng cuộc khủng hoảng khí đốt đang diễn ra hiện nay khiến khu vực này phải áp dụng các biện pháp ngắn hạn khẩn cấp để làm giảm nhu cầu, như gia tăng sử dụng các nhà máy điện than và nếu có thể sẽ kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân. Theo ông, nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp thì cần phải có các biện pháp quyết liệt.

"Tôi không loại trừ khả năng châu Âu sẽ cần phải phân phối khí đốt một cách có kế hoạch và trật tự", ông nói và cho rằng: "Đây không phải là kịch bản cơ sở, nhưng nhìn vào những tháng vừa qua, nếu không muốn nói là vài năm, và những kinh nghiệm mà chúng tôi có được với Nga, với tư cách là một đối tác năng lượng, thì đây là kịch bản mà chúng tôi không loại trừ vào lúc này".

Theo BBC