1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Moscow nói Ukraine ngắt đường ống trung chuyển dầu Nga tới châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Châu Âu đã ngừng đường ống trung chuyển dầu thô từ Nga tới 3 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU, một công ty vận chuyển đường ống của Moscow cho hay.

Moscow nói Ukraine ngắt đường ống trung chuyển dầu Nga tới châu Âu - 1

Một đoạn của đường ống Druzhba (Ảnh: Reuters).

Hãng tin RIA Novosoti ngày 8/8 đưa tin, công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrtransnafta đã ngừng bơm dầu của Nga qua nhánh phía nam của đường ống Druzhba tới EU.

Theo Sputnik, động thái này làm ảnh hưởng tới các nước Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia.

Ông Igor Demin, một quan chức thuộc công ty vận tải đường ống Transneft của Nga, nói rằng: "Trên thực tế Ukrtransnafta đã dừng hoàn toàn vận chuyển dầu tới 3 quốc gia kể trên từ 6h10 ngày 4/8".

Mặt khác, ông Demin cho hay, đường ống vận chuyển dầu mỏ Nga qua Belarus tới Ba Lan và Đức vẫn tiếp tục vận hành.  

Quan chức Transneft cho biết, phía công ty Ukrtransnafta sẽ vận hành dịch vụ trung chuyển dầu với điều kiện là họ được nhận thanh toán trước 100%.

"Tuy nhiên, khi Transneft thanh toán cho dịch vụ trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine, khoản tiền đã bị trả ngược về tài khoản của công ty Nga. Ngân hàng Gazprombank thông báo với Transneft rằng, tiền bị trả lại là do tác động của gói trừng phạt thứ 7 mà EU áp lên Nga", ông Demin giải thích.

Transneft nhấn mạnh rằng họ đang nghiên cứu các phương án thanh toán thay thế cho các dịch vụ trung chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraine. 

Druzhba là một trong những mạng lưới đường ống dài nhất thế giới, vận chuyển dầu thô từ phần phía đông của nước Nga tới các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia cách đó 4.000km. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khiến lạm phát ở một số nước tăng vọt.

Nga cho rằng, cuộc khủng hoảng trên xảy ra là do tác động ngược từ các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, một lệnh cấm vận nhằm vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ có tác động tàn phá nền kinh tế, không chỉ của Hungary, mà còn của cả các nước châu Âu.

Người đứng đầu chính phủ Hungary cũng nhấn mạnh rằng các sự kiện ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã gây ra cái mà ông mô tả là "lạm phát thời chiến, khác với lạm phát trong tình hình bình thường" trên khắp châu Âu.

Ông Orban khẳng định: "Chừng nào còn xung đột thì sẽ còn lạm phát. Hòa bình là cách duy nhất để ngăn chặn lạm phát trong thời điểm này".

Tuy nhiên, triển vọng hòa bình của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện chưa rõ ràng khi 2 bên vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung trên bàn đàm phán và giao tranh vẫn đang diễn ra quyết liệt. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine