1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức đối mặt "cú sốc" 240 tỷ USD nếu Nga khóa van khí đốt

Minh Phương

(Dân trí) - GDP của Đức có thể thiệt hại 220 tỷ Euro (238 tỷ USD) trong 2 năm tới nếu Nga khóa van khí đốt cung cấp cho châu Âu và gây ra một "cú sốc" năng lượng.

Đức đối mặt cú sốc 240 tỷ USD nếu Nga khóa van khí đốt - 1

Một công nhân tại giếng dầu gần núi Urals, Nga (Ảnh: Reuters).

Theo báo cáo đánh giá của 5 viện nghiên cứu kinh tế, nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, GDP của Đức chỉ tăng 1,9% trong năm nay và 2,2% năm 2023. Ngược lại, nếu nguồn cung khí đốt được duy trì, kinh tế của khu vực đồng Euro có thể đạt 2,7% trong năm nay. Ông Stefan Kooths, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nhận định nếu Nga đột ngột dừng cấp khí đốt, kinh tế Đức có thể suy thoái sâu.

Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt của Nga. Cụ thể, 46% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của nước này phụ thuộc vào Nga. Nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, kinh tế của Đức sẽ bị xáo trộn.

Tháng trước, lạm phát ở Đức lên mức cao nhất hơn 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô và khí đốt tăng khoảng 40% trong vòng một năm. Nếu nguồn cung khí đốt Nga gián đoạn, lạm phát của Đức gần như chắc chắn sẽ lập đỉnh mới.

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine khiến các nước EU nhận thức rõ ràng hơn rằng, họ cần giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, điều này là không thể diễn ra một sớm một chiều. EU nhất trí giảm dần khoảng 2/3 nhu cầu năng lượng từ Nga trong năm nay.

Theo các nguồn thạo tin, EU sẽ cấm nhập khẩu than đá Nga từ tháng 8 năm nay. Một số quan chức EU cũng kêu gọi trừng phạt ngành xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga. Mặc dù vậy, một số nước, trong đó có Đức, vẫn do dự với một lệnh cấm vận như vậy.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, nước này đang "hành động nhanh nhất có thể" để có thể từ bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, nhưng loại trừ khả năng ngừng sử dụng năng lượng Nga một cách đột ngột. "Câu hỏi đặt ra là đến mức độ nào thì chúng ta có thể gây tổn thất cho Nga nhiều hơn gây tổn thất cho chính mình", ông Lindner nói.

Hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng Đức (BDEW) tuyên bố "đã sẵn sàng vạch ra một kế hoạch chi tiết" để nhanh chóng ngừng sử dụng khí đốt Nga, song cũng kêu gọi các chính trị gia hành động thận trọng.

"Xét cho cùng, cắt nguồn cung khí đốt Nga không khác gì chuyển đổi toàn bộ nền công nghiệp của Đức", bà Marie-Luise Wolff, Chủ tịch BDEW, bình luận.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động nguồn cung khí đốt, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào Nga, với mục tiêu đến cuối năm nay giảm 50% khí đốt nhập khẩu từ Nga và sẽ ngừng nhập khẩu sau 2 năm nữa. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây đã có chuyến thăm tới Qatar và Na Uy nhằm tìm kiếm nguồn khí đốt thay thế.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm