1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức chạy đua ngăn cuộc khủng hoảng chưa từng có vì thiếu khí đốt Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Nga cắt giảm nguồn cung đang gây sức ép đáng kể đến Đức, nền kinh tế lớn thứ 2 ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng có thể tồi tệ hơn nữa khi mùa đông đến gần.

Đức chạy đua ngăn cuộc khủng hoảng chưa từng có vì thiếu khí đốt Nga - 1

Đức giảm tiêu thụ năng lượng để đối phó việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt (Ảnh: Reuters).

Dinh tổng thống Đức ở Berlin không còn sáng nhiều đèn vào buổi tối, thành phố Hanover ngừng dịch vụ nước nóng ở những nơi công cộng như bể bơi, phòng gym. Nước Đức đang vào guồng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có khi mùa đông đang đến rất gần.

Mặc dù đang là cao điểm nắng nóng mùa hè, nhưng người Đức đang hối hả đối phó kịch bản thiếu năng lượng cho mùa đông - điều chưa từng xảy ra ở một quốc gia phát triển. Phần lớn châu Âu đều cảm nhận được sức ép từ việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, nhưng không nước nào chịu sức ép lớn như Đức - nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực.

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz bị cho là ứng phó khá chậm chạp, chỉ đến gần đây Berlin mới đặt ra các mục tiêu cắt giảm tiêu thụ. "Những thách thức mà chúng ta đang đối mặt rất lớn và chúng tác động đáng kể đến các lĩnh vực kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chúng ta là một đất nước mạnh, chúng ta có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói.

Các nguồn thạo tin cho hay, Nga được cho là sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu chừng nào xung đột Ukraine còn tiếp diễn. Điều đó có nghĩa là, châu Âu sẽ phải đối mặt với kịch bản thiếu hụt nguồn cung trong thời gian dài và giá khí đốt sẽ không ngừng tăng.

Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ của khu vực này. Để đối phó tình trạng thiếu hụt năng lượng, Đức đã "hồi sinh" các nhà máy điện than - một bước lùi cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu mà châu Âu theo đuổi.

Nếu các biện pháp tái cân bằng cung cầu thất bại, chính phủ Đức có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt, cho phép chính phủ kiểm soát việc phân bổ nguồn cung. Mặc dù hiện tại Đức vẫn ưu tiên nguồn cung cho các hộ gia đình và những cơ sở quan trọng như bệnh viện, không có gì đảm bảo rằng cuộc sống với người Đức sẽ dễ chịu.

Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Cologne, hiện tại 1/4 người Đức đã bị xếp vào diện "nghèo năng lượng", nghĩa là chi phí sưởi ấm, thắp sáng ảnh hưởng đến khả năng chi trả các chi phí khác. Chính phủ Đức đang xem xét các chương trình hỗ trợ cho hộ gia đình thu nhập thấp.

Trong khi đó, một khảo sát thực hiện với khoảng 3.500 doanh nghiệp ở Đức cho thấy, 16% doanh nghiệp sản xuất đang cân nhắc thu hẹp quy mô hoặc ngừng một số mảng hoạt động nhất định do khủng hoảng năng lượng.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP của Đức có thể giảm 4,8% nếu Nga cắt nguồn cung năng lượng. Thiệt hại với kinh tế Đức khi đó ước tính 220 tỷ euro. "Hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu không thận trọng, Đức có thể trở thành quốc gia phi công nghiệp hóa", Michael Kretschmer, một quan chức của Đức cảnh báo.

Theo khảo sát của Policy Matters, đa số người Đức cho rằng, chính phủ nên tiếp tục ủng hộ Ukraine bất chấp giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, số người chỉ trích, giống ông Kretschmer, có thể tăng trong thời gian tới nếu mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn và cuộc khủng hoảng năng lượng càng tồi tệ hơn.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine