1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động cơ của "cỗ máy" kinh tế Ukraine đình trệ vì chiến sự với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Công nghiệp nặng - ngành được xem là động cơ của nền kinh tế Ukraine - đã trở thành "nạn nhân" trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua giữa Kiev và Moscow.

Động cơ của cỗ máy kinh tế Ukraine đình trệ vì chiến sự với Nga - 1

Khói bốc lên từ nhà máy luyện kim Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine. Hiện Nga đã kiểm soát khu vực này (Ảnh: Reuters).

Trong khu liên hợp luyện thép và mỏ sắt khổng lồ ArcelorMittal ở Kryvyi Rih, miền Nam Ukraine, 3/4 lò luyện kim đã ngừng hoạt động, trong khi khu vực mỏ trở nên yên ắng. Chiếc lò cuối cùng vẫn còn vận hành đang duy trì ở mức thấp.

Hầu hết khu liên hợp rộng 70km2 - bằng 2/3 diện tích thành phố Paris, Pháp - đang hoạt động cầm chừng. Trước thời điểm chiến sự, có 22.000 người làm việc tại đây.

Khu phức hợp này trước đây được người Ukraine coi là viên ngọc quý của quốc gia. Được ArcelorMittal mua vào năm 2005 với giá gần 5 tỷ USD, các sản phẩm của công ty được bán trên toàn cầu, bao gồm cả tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai.

Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hơn 7 tháng trước, hoạt động của khu phức hợp đã đình trệ một tháng khi lực lượng Moscow tiến đến gần Kryvyi Rih. Hoạt động sản xuất sau đó đã được nối lại, nhưng ở mức thấp. Đến cuối tháng 8, sản lượng của khu phức hợp chỉ bằng 15-20% so với cùng kỳ năm 2021, theo phó giám đốc Artem Filipiev.

"Chúng tôi giữ cho nhà máy hoạt động. Đó là sứ mệnh", ông Filipiev nói.

Khoảng 2.000 công nhân của khu phức hợp đang tham gia vào cuộc chiến và 17 người đã tử trận, vì vậy, theo ông Filipiev, việc duy trì cho nhà máy hoạt động không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm xã hội.

Khó khăn chồng chất

Ngành công nghiệp Ukraine đang phải đối đầu với hàng loạt vấn đề liên quan tới việc duy trì nguồn cung, giữ khách hàng và vận chuyển sản phẩm.  

Nga hiện kiểm soát các cảng lớn ở Mariupol và Berdiansk tại phía đông nam. Các cảng ở phía tây nam như Odessa và Chernomorsk vẫn do Ukraine quản lý, nhưng chúng hiện chỉ được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc.

"Các cảng đã đóng cửa. Ngành công nghiệp luyện kim ở Mariupol là một trong những bên tiêu thụ quặng sắt chính của chúng tôi. Khách hàng ở Zaporizhzhia cũng giảm bớt quy mô hoạt động. Các mỏ sắt của chúng tôi đang trong tình trạng bế tắc", Sergiy Milutin, phó thị trưởng Kryvyi Rih, thừa nhận.

ArcelorMittal, công ty xuất khẩu ra nước ngoài 85% sản phẩm, cho biết hiện họ sử dụng đường sắt và đường sông để giao hàng, chủ yếu qua Ba Lan và Biển Baltic, cũng như Romania.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Marina Bozkurt, tuyến đường trên đồng nghĩa với chi phí tăng gấp 2-3 lần.

Cuộc giao tranh dữ dội của Nga - Ukraine ở nhà máy luyện kim Azovstal ở Mariupol cho thấy sự bền vững của các công trình từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì cơ sở này cũng bị phá hủy.

Theo Trường Kinh tế Kiev, đến tháng 9, hơn 420 ngành công nghiệp và công ty của Ukraine đã bị thiệt hại hoặc phá hủy do chiến tranh, ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD.

Ông Dmytro Goryunov, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược Kinh tế, cho biết ngành công nghiệp chế biến và khai thác chiếm 17% nền kinh tế Ukraine vào năm 2021, và lĩnh vực này "là một phần của an ninh kinh tế" đất nước.

Sự đình trệ của ngành này đã gây ra hàng loạt khó khăn cho Ukraine trong thời gian qua. GPD Ukraine sụt giảm 37% trong quý 2 năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko thừa nhận, ông gặp phải cơn "đau đầu liên tục" nhằm đối phó với việc chi phí của cuộc xung đột ngày càng lớn và nguồn thu thấp đi trong bối cảnh kinh tế Ukraine đã bị suy thoái nghiêm trọng vì chiến sự.

Theo Wall Street Journal, vì thiếu ngân sách, Ngân hàng Trung ương Ukraine không còn cách nào khác là phải in thêm tiền để trả lương cho quân nhân và mua vũ khí, đạn dược để tiếp tục chiến đấu với Nga.

Cách thức trên đã làm suy yếu đồng tiền quốc gia của Ukraine. Đồng hryvnia của Ukraine đã mất giá 30% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, khiến lạm phát tăng đột biến.

Chuyên gia Anatoly Kovaliov, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc gia Odessa, nhận định rằng Ukraine cần 5-8 năm để tái thiết lại ngành công nghiệp nặng khi chiến sự kết thúc.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine