1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kinh tế khó khăn, EU giảm viện trợ cho Ukraine xuống 9 lần

Đức Hoàng

(Dân trí) - EU đã cắt giảm khoản viện trợ gần nhất cho Ukraine xuống 9 lần, trong bối cảnh khối này cũng đang gặp khó khăn vì tác động ngược từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.

Kinh tế khó khăn, EU giảm viện trợ cho Ukraine xuống 9 lần - 1

Một khu vực đổ nát ở Ukraine do chiến sự với Nga (Ảnh: Reuters).

Kể từ tháng 2, Liên minh châu Âu đã viện trợ Ukraine hơn 6,2 tỷ EUR, gồm 2 tỷ EUR hỗ trợ quân sự. Tuần này, EU tiếp tục "bật đèn xanh" phê duyệt khoản viện trợ 1 tỷ EUR cho Ukraine.

Theo Bloomberg, điểm đáng chú ý trong gói viện trợ mới nhất là nó chỉ bằng 1/9 so với khoản dự kiến ban đầu (9 tỷ EUR) mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất chuyển cho Kiev vài tháng trước đó.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko nói với Bloomberg rằng, Kiev hy vọng có thể "thuyết phục tất cả các đối tác rằng Ukraine thực sự cần những khoản tiền này và chúng tôi sẽ nhận được hỗ trợ tài chính vĩ mô vào cuối năm nay" khi Kiev đang cần khoản ngân sách khoảng 5 tỷ USD một tháng do cuộc xung đột đang diễn ra và nền kinh tế nước này gần như sụp đổ.

Theo Bloomberg, động thái của EU diễn ra trong bối cảnh khối này đang lo ngại về các vấn đề kinh tế mà họ phải đối mặt, cũng như các cuộc tranh luận đã bắt đầu xuất hiện trong nội bộ về việc hỗ trợ Ukraine.

Một số nguồn thạo tin cho biết, việc khoản viện trợ bị giảm dường như do Đức cố gắng thuyết phục EU cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế thay vì cho Kiev vay thẳng.

Một quan chức Đức cho hay, Berlin không muốn chịu thêm gánh nặng về việc bảo lãnh các khoản vay của Ukraine và đã yêu cầu các thành viên khác tham gia nhiều hơn.

Ngoài ra, đề xuất khoản vay 1,5 tỷ EUR của Ngân hàng Đầu tư châu Âu cho Ukraine được cho là đã bị chặn trong nội bộ EU vì nó cần có thêm bảo đảm từ các bên.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, EU đang đối phó với tỷ lệ lạm phát ngày càng gia tăng. Đức được cho đã quan ngại rằng các lệnh trừng phạt áp lên Nga có thể khiến Moscow cắt nguồn khí đốt cho châu Âu. Nền kinh tế Đức có thể suy thoái nghiêm trọng nếu động thái này diễn ra.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, EU đã "tự bắn vào chân mình" khi trừng phạt Moscow.

Theo Bloomberg, khoảng một phần ba trong số 27 quốc gia thành viên đã cảnh báo tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU hồi đầu tuần rằng, khối này cần hỗ trợ thêm cho "các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong EU - những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra". Điều này nhằm giúp làm giảm tâm lý mệt mỏi trong người dân châu Âu vì hỗ trợ Ukraine trong thời gian qua.

Theo Sputnik, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm