1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điện Kremlin giải thích lý do Nga đang "trong tình trạng chiến tranh"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Nga đang "trong tình trạng chiến tranh" và nêu lý do cho tuyên bố này.

Điện Kremlin giải thích lý do Nga đang trong tình trạng chiến tranh - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

AFP đưa tin, Điện Kremlin ngày 22/3 cho biết Nga đang ở trong "tình trạng chiến tranh" ở Ukraine. Giới quan sát đánh giá, đây được xem là một thay đổi lớn trong cách mà Nga sử dụng để mô tả cuộc xung đột đã kéo dài tới năm thứ 3 với Ukraine.

Trước đó, Nga thường dùng cụm từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" để mô tả về cuộc chiến này. 

"Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh. Đúng, nó bắt đầu như một chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng ngay khi phương Tây trở thành bên tham gia trong cuộc chiến và đứng về phía Ukraine, thì đối với Nga, nó đã trở thành một cuộc chiến tranh", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Hồi tháng 2, ông Peskov chỉ trích các chính sách của NATO với Nga, cho rằng liên minh quân sự thực tế đang trong cuộc chiến với Moscow.

Khi đó, ông Peskov nhận định quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đã "thay đổi hoàn toàn" kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin gửi dự thảo hiệp ước an ninh gửi tới Washington, Brussels và Vienna vào cuối năm 2021 và nhận ra rằng "họ chưa sẵn sàng trao đổi bất cứ điều gì với chúng tôi".

Theo ông Peskov, khi nỗ lực đối thoại thất bại, căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Moscow và phương Tây, dẫn đến xung đột ở Ukraine. Quan chức Nga cho rằng NATO hiện tham gia hoàn toàn vào các cuộc chiến ở Ukraine. Ông cáo buộc "tình báo của NATO đang hoạt động chống lại chúng tôi 24 giờ một ngày, vũ khí của họ được cung cấp miễn phí cho Ukraine để bắn vào quân đội của chúng tôi".

Người phát ngôn cho hay: "Thời điểm NATO trên thực tế trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình đã thay đổi. Trên thực tế, khối NATO không còn đóng vai trò là đối thủ của chúng tôi nữa mà trở thành kẻ thù của Nga".

"Tổng thống Putin đã và vẫn cởi mở với bất kỳ phương án nào có thể giúp Nga đạt được mục tiêu của mình bằng cách này hay cách khác. Tốt nhất là đàm phán một cách hòa bình, nhưng khi điều này là không thể, thì biện pháp quân sự đã được sử dụng như chúng ta đang thấy hiện nay", ông cho hay.

Gần đây, giới chức phương Tây liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO với lập luận rằng Moscow sẽ chưa dừng lại nếu giành chiến thắng ở Ukraine. Mục tiêu tiếp theo của Nga có thể là các nước vùng Baltic và cũng là các thành viên của NATO.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nguy cơ xung đột Nga - NATO rất thấp, những cảnh báo gần đây của giới chức phương Tây chủ yếu nhằm "nắn gân" Nga trong bối cảnh cục diện chiến trường ở Ukraine đang nghiêng về phía Moscow.

Mặt khác, trong thời gian qua, giới lãnh đạo phương Tây dường như đã trở nên cởi mở hơn với phương án đưa quân tới Ukraine. Thậm chí, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng việc các lực lượng phương Tây hiện diện ở Ukraine hiện là bí mật mà ai cũng biết.

Vào tháng 2, Phó Tổng Tham mưu trưởng Nga, Đại tướng Sergey Rudskoy từng cáo buộc các binh sĩ NATO đang chiến đấu chống lại quân đội Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cải trang thành lính đánh thuê.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine