DNews

Dàn vũ khí "tiếp lửa" giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine bao gồm nhiều loại vũ khí và đạn dược quan trọng, có thể giúp Kiev giữ vững phòng tuyến trong bối cảnh Nga tăng cường nỗ lực tiến công.

Dàn vũ khí "tiếp lửa" giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga

Sau nhiều tháng trì hoãn, viện trợ quân sự của Mỹ một lần nữa lại đến Ukraine với số lượng đáng kể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 4 đã ký ban hành đạo luật viện trợ mới, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Ngày 24/4, Lầu Năm Góc công bố đợt viện trợ đầu tiên trị giá 1 tỷ USD cho Kiev, bao gồm các vũ khí và thiết bị được lấy từ kho dự trữ của Mỹ.

"Gói này sẽ tăng cường đạn dược, vũ khí và thiết bị để hỗ trợ khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ tiền tuyến, bảo vệ các thành phố và đối phó với các cuộc tấn công liên tục của Nga", Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.

Ngày 26/4, Nhà Trắng cũng công bố gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỷ USD, nhưng các thiết bị được cam kết trong đợt viện trợ này sẽ không được lấy từ kho dự trữ hiện có của Mỹ. Thay vào đó, những vũ khí và vật tư quân sự này sẽ được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng, nghĩa là chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn, có thể hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm, mới đến được Ukraine.

Trang tin Kyiv Independent đã liệt kê một danh sách chi tiết về các vũ khí và thiết bị trong gói viện trợ 1 tỷ USD của Lầu Năm Góc cho Ukraine.

Tên lửa phòng không RIM-7 và AIM-9M

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 1

Mỹ cung cấp tên lửa đất đối không Sea Sparrow của NATO cho các bệ phóng Buk thời Liên Xô của Ukraine (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Tên lửa phòng không RIM-7 và AIM-9M, thường được gọi phổ biến hơn là tên lửa Sea Sparrow và Sidewinder, đều là vũ khí phòng không hiệu quả cao, có thể nhắm mục tiêu vào cả máy bay và tên lửa của đối phương.

Sea Sparrow thường được bắn từ bệ phóng trên tàu chiến, trong khi Sidewinder được phóng từ máy bay chiến đấu.

Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sở hữu số lượng lớn cả hai loại tên lửa này, nhưng việc cung cấp vũ khí này cho Ukraine đang gặp thách thức lớn. Lực lượng Ukraine không có tàu chiến để phóng Sea Sparrow và các máy bay chiến đấu thời Liên Xô của Ukraine không tương thích với các hệ thống tên lửa của phương Tây.

Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng hệ thống FrankenSAM, một sáng kiến do Mỹ dẫn đầu nhằm cho phép các bệ phóng tên lửa từ thời Liên Xô của Ukraine có thể bắn các tên lửa mới của phương Tây.

Truyền thông đưa tin, hệ thống BUK của Ukraine đã được điều chỉnh để bắn tên lửa Sea Sparrow, còn hệ thống Osa được sử dụng cho tên lửa Sidewinder.

Một dự án FrankenSAM mới, kết hợp các hệ thống Patriot với các hệ thống radar thời Liên Xô, cũng đang được thực hiện.

Tên lửa phòng không Stinger

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 2

Binh sĩ Ukraine mang tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ sản xuất (Ảnh: Getty).

Hệ thống phòng không vác vai Stinger có thể được lực lượng bộ binh triển khai nhanh chóng. Hệ thống này sử dụng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại thụ động để khóa mục tiêu, thường là máy bay và trực thăng của đối phương ở tầm thấp.

Lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng Stinger để bắn hạ thành công tên lửa hành trình của Nga.

Ngoài ra, trong gói viện trợ của Mỹ còn có các phiên bản chống tăng của Stinger, được gọi là Javelin. Vũ khí này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn lực lượng Nga trong trận chiến ở Kiev.

Vũ khí nhỏ và các loại đạn vũ khí nhỏ bổ sung

Gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine lần này còn vũ khí nhỏ và các loại đạn vũ khí nhỏ bổ sung cho Ukraine, bao gồm đạn để đối phó với các hệ thống bay không người lái của Nga.

Các loại vũ khí và đạn dược này rất cần thiết đối với quân đội Ukraine ở tiền tuyến, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không tuy đơn giản nhưng vẫn hiệu quả của Kiev. Các loại vũ khí này giúp Ukraine bắn hạ các máy bay không người lái tự sát của Nga.

Đạn bổ sung cho hệ thống HIMARS

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 3

Một hệ thống M142 HIMARS do Mỹ sản xuất được quân đội Ukraine sử dụng (Ảnh: Getty).

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) được xem là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" đối với Ukraine khi lần đầu tiên được đưa ra chiến trường vào mùa hè năm 2022. HIMARS cho phép Kiev nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga ở phía sau chiến tuyến với độ chính xác cao hơn nhiều so với các loại vũ khí trước đây.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 của Mỹ. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 300km.

Tổ hợp hỏa lực này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và nơi tập trung quân của Nga trong thời gian qua.

Một điểm quan trọng là các bệ phóng HIMARS cũng có thể bắn Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa. Mỹ được cho là đã bí mật chuyển hơn 100 tên lửa trong số này tới Ukraine gần đây, trong đó có một số tên lửa dường như đã được sử dụng để tập kích một sân bay quân sự của Nga ở Dzhankoi trên bán đảo Crimea.

Đạn pháo 155mm

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 4

Binh lính Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155mm ở tỉnh Donetsk (Ảnh: Getty).

Trong số những vũ khí và đạn dược mà Ukraine đang rất cần ở thời điểm hiện tại, đạn pháo 155mm đứng đầu danh sách.

Trong nhiều tháng nay, Ukraine đã liên tục cảnh báo về tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng, điều này đã tạo cơ hội cho lực lượng Nga giành được bước tiến trên chiến trường, thậm chí còn được cho là nguyên nhân khiến thành trì Avdiivka thất thủ hồi tháng 2.

Đạn pháo 155mm là loại đạn dược phổ biến, được sử dụng trong các cuộc xung đột dưới hình thức này hay hình thức khác trong hơn một thế kỷ.

Đạn pháo 155mm cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này cho thấy bất chấp những tiến bộ trong công nghệ quân sự, việc tấn công đối phương bằng pháo binh theo kiểu cũ vẫn có thể tạo ra hoặc phá vỡ một trận chiến. Ước tính 80% thương vong của cả Nga và Ukraine là do pháo binh gây ra.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ còn đề cập đến "đạn thông thường được cải tiến với mục đích kép", hay còn gọi là bom chùm.

Khi Mỹ thông báo gửi bom chùm cho Ukraine vào năm ngoái, động thái này đã gây nhiều tranh cãi do lo ngại vấn đề nhân đạo trong việc sử dụng loại vũ khí này. Bom, đạn chùm sẽ rải các quả bom nhỏ trên một khu vực rộng, và những quả bom nhỏ hoặc bom chưa nổ có thể gây nguy hiểm cho dân thường rất lâu sau khi chiến sự kết thúc.

Tuy nhiên, bom chùm chắc chắn có hiệu quả trên chiến trường. Mặc dù không đủ để dẫn đến thành công cho chiến dịch phản công của Ukraine vào năm ngoái, nhưng bom chùm do Mỹ cung cấp đã giúp Ukraine phá hủy các vị trí của Nga tại những khu vực mà quân đội Kiev phải chật vật để tiến công.

Đạn pháo 105mm

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 5

Các binh lính của Lữ đoàn 95 Ukraine bắn đạn pháo 105mm từ hệ thống M119 do Anh sản xuất vào các vị trí của Nga theo hướng Lyman (Ảnh: Getty).

Đạn 105mm được sử dụng cho các loại lựu pháo nhỏ hơn như M101 của Mỹ, M118/M119 của Mỹ/Anh và OTO Melara của Italy. Ukraine hiện đều sở hữu các loại lựu pháo này.

Mặc dù kém uy lực hơn và có tầm bắn ngắn hơn đạn pháo 155mm, nhưng đạn 105mm vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh trên chiến trường.

Các khẩu 105mm nặng chưa bằng một nửa so với tổ hợp 155mm. Vì đạn 105mm nhỏ hơn và sức công phá kém hơn nhiều so với đạn 155mm tầm xa, nên những tổ hợp này thường hoạt động gần tiền tuyến, nơi hệ thống phòng thủ và thiết bị gây nhiễu của Ukraine gây khó khăn cho các máy bay không người lái (UAV) của Nga. Đây có thể là một lý do khiến các tổ hợp pháo 105mm dễ sống sót hơn so với pháo hạng nặng.

Mặt khác, vì các khẩu pháo 105mm tác chiến gần tiền tuyến, kíp điều khiển buộc phải thích nghi để sống sót vì chúng nằm trong tầm tấn công của các hệ thống hỏa lực Nga. Chính vì vậy, các khẩu 105mm thường có xu hướng áp dụng chiến thuật bắn rồi di chuyển nhanh chóng để ngăn Nga phản pháo.

Phương Tây được cho là có nhiều đạn pháo 105mm, do vậy có thể viện trợ cho Ukraine.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 6

Một xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ (Ảnh: Getty).

Forbes nhận định, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ sản xuất có thể là phương tiện bọc thép hiệu quả nhất của Ukraine trong xung đột với Nga.

Cụ thể, thiết giáp này có thể bảo vệ bộ binh Ukraine khỏi mìn, tên lửa và pháo binh cũng như tấn công binh sĩ và phương tiện của Nga bằng pháo tự động 25mm nguy hiểm.

Theo Forbes, những chiếc M-2 nặng 28 tấn, gồm kíp lái 3 người đã gây ra nhiều thiệt hại cho Nga nhiều hơn những tổn thất mà Moscow gây ra cho dòng thiết giáp này.

Ngoài khả năng chở binh sĩ và bảo vệ cho bộ binh trên chiến trường, xe bọc thép này còn được coi là một loại "sát thủ diệt tăng" khi được trang bị 2 bệ phóng với 7 tên lửa chống tăng TOW. Lớp giáp của Bradley có thể chịu được hỏa lực súng máy hạng nặng đối thủ.

Một ưu điểm của M2 là khả năng sống sót cao trong một cuộc chiến đã phá hủy hàng nghìn xe chiến đấu bộ binh kém bền hơn.

Theo giới quan sát, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley là vũ khí hết sức cần thiết nếu Ukraine muốn tiếp tục đẩy mạnh phản công trong tương lai. Đây là loại xe bọc thép đáp ứng hai yêu cầu, đó là có thể di chuyển binh sĩ trên chiến trường một cách an toàn trước hỏa lực hạng nhẹ của đối phương.

Đạn bay chính xác

Đạn bay chính xác là một thuật ngữ "mơ hồ" có thể bao gồm nhiều loại vũ khí khác nhau.

Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) là một loại bom thông minh được phóng từ máy bay nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất. Sử dụng hướng dẫn GPS, chúng có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 5m.

Mỹ xác nhận đã viện trợ bom thông minh JDAM-ER cho Ukraine. Trên thực tế, đây là một bộ công cụ, gồm thiết bị định vị toàn cầu và hệ thống điều khiển tiên tiến, có thể biến bom thường thành bom thông minh có khả năng dẫn đường với độ chính xác cao.

Bom gắn JDAM-ER đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường khi nó bay ở khoảng cách lên tới 72km và có thể nặng tối đa 900kg, gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu. Khi được thả đi từ máy bay, các quả bom này tự động nhằm mục tiêu tọa độ định trước và hoạt động như một loại vũ khí với cơ chế "thả và quên".

Người phát ngôn của Không quân Ukraine Yurii Ihnat năm ngoái xác nhận Ukraine đang sử dụng vũ khí này.

"Những quả bom này kém uy lực hơn một chút nhưng có độ chính xác cực cao. Chúng tôi muốn có thêm những quả bom này để củng cố thành công của chúng tôi trên mặt trận", ông Ihnat nói.

Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ tất cả các loại vũ khí được Mỹ chuyển tới Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đợt viện trợ này cũng sẽ bao gồm các phương tiện chống mìn, phương tiện bánh lốp đa năng cơ động cao, phương tiện hỗ trợ hậu cần, mìn Claymore và thiết bị nhìn đêm.

Vũ khí Mỹ giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự?

Dàn vũ khí tiếp lửa giúp Ukraine giữ phòng tuyến trước hỏa lực Nga - 7

Đạn pháo đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tấn công của lực lượng Ukraine (Ảnh: Reuters).

Một câu hỏi lớn được các nhà phân tích đặt ra hiện nay là: Sau hơn hai năm xung đột, liệu viện trợ lần này của Mỹ có thực sự tạo nên sự khác biệt hay không?

"Có, điều này đủ để ổn định tiền tuyến. Bạn sẽ thấy tác động gần như ngay lập tức trên chiến trường", Mark Cancian, đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là chuyên gia về hậu cần quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Gói viện trợ có thể đóng vai trò quan trọng khi xét đến những lo ngại gần đây của các nhà quan sát ở Ukraine rằng, hệ thống phòng thủ của nước này có thể sụp đổ hoàn toàn.

Theo Telegraph, Franz-Stefan Gady, nhà phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ Mới, người vừa trở về sau chuyến đi tới tiền tuyến ở Ukraine, cho biết gói viện trợ mới có khả năng "khôi phục lại tình hình giống như tháng 11/2023", thời điểm Ukraine không phải cân nhắc quá nhiều về việc cần phải bảo vệ những khu vực nào ở tiền tuyến và hậu phương trước các mối đe dọa từ trên không của Nga.

Khoản viện trợ này cũng đến đúng lúc, khi Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công dọc tiền tuyến. Moscow cũng đang nỗ lực kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ vào mùa xuân, khi điều kiện thời tiết khô ráo hơn giúp cho việc triển khai các phương tiện quân sự trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Gady cảnh báo, "gói viện trợ này không giải quyết được vấn đề quan trọng nhất của Ukraine, đó là nhân lực". Các đơn vị tiền tuyến của Ukraine đang thiếu hụt trầm trọng lính bộ binh, trong khi chính phủ vẫn miễn cưỡng mở rộng việc sử dụng chế độ quân dịch để bổ sung lực lượng cho quân đội.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký luật hạ độ tuổi nhập ngũ tối thiểu từ 27 xuống 25 (độ tuổi trung bình của binh sĩ Ukraine là trên 40). Trong khi đó, Nga, với dân số lớn hơn và khả năng chịu tổn thất thương vong lớn hơn nhiều, vẫn có lợi thế về nhân lực.

Tuy nhiên, gói viện trợ mới của Mỹ giúp Ukraine có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề hiện tại, trong đó có việc thiếu nhân lực. Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến trong năm nay và bổ sung thêm các đơn vị đã bị thiệt hại nặng nề trong cuộc phản công vào năm ngoái. Điều này được kỳ vọng sẽ đặt Ukraine vào một vị thế tốt hơn để đẩy lùi những bước tiến của Nga vào năm 2025.

Theo Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu của một tổ chức tư vấn liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Nga, với viện trợ mới của Mỹ, "khả năng phòng thủ cũng như tấn công của Ukraine có thể tăng lên phần nào". Ông nói thêm rằng ở mức độ "mang tính biểu tượng", viện trợ của Mỹ "rõ ràng sẽ nâng cao tinh thần của các lực lượng vũ trang Ukraine".

"Ukraine sẽ có thêm vũ khí có độ chính xác cao để sử dụng chống lại quân đội và lãnh thổ của chúng tôi", Vasily Kashin, một nhà phân tích khác ở Moscow, cảnh báo về áp lực quân sự mới đối với Nga.

Ông nói thêm rằng vũ khí phòng không mới được Mỹ viện trợ cho Ukraine "sẽ một lần nữa cản trở Nga trong việc sử dụng máy bay", lực lượng mà trong những tuần gần đây đã tấn công các nhà máy điện và các mục tiêu khác ở Ukraine gần như theo ý muốn.

Ukraine đang cạn kiệt nghiêm trọng hệ thống phòng không, do vậy gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev tránh được thảm họa. Bảo vệ bầu trời Ukraine là một vấn đề phức tạp vì có sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không của NATO và các hệ thống từ thời Liên Xô. Gói viện trợ mới sẽ cho phép vận chuyển nhanh chóng các hệ thống phòng không của Mỹ cho Ukraine.

Các quan chức Mỹ đang thúc giục Ukraine sử dụng viện trợ quân sự mới để củng cố phòng tuyến của họ và giữ vững phòng tuyến cho đến hết năm 2024, thay vì tiến hành một cuộc phản công khác như chiến dịch vào năm ngoái. "Chúng tôi cần họ xây dựng sức mạnh trong năm nay để có thể giành lại lãnh thổ vào năm tới", Washington Post dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.

Nhà phân tích Liana Fix nhận định với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại rằng, trong khi Quốc hội Mỹ đang tranh cãi về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, Nga đã đạt được những bước tiến ổn định trong 6 tháng qua và xác lập sức mạnh quân sự với sự giúp đỡ của các nước đồng minh. Hiện tại, sự hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ cho phép Ukraine giữ phòng tuyến và ngăn chặn các bước tiến của Nga, nhưng đã quá muộn cho một cuộc tấn công của Ukraine hoặc một chiến thắng nhanh chóng, mang tính quyết định của Ukraine.

Ngay cả khi gói viện trợ mới của Mỹ bắt đầu được chuyển giao, Ukraine vẫn có nguy cơ bị áp đảo về vũ khí trong năm nay. Một giả thuyết lạc quan được đặt ra là việc tăng cường sản xuất đạn dược của Mỹ và châu Âu có thể giúp Ukarine xoay chuyển tình thế vào năm tới, nhưng hiện tại Nga vẫn đang có lợi thế. Trong kịch bản tốt nhất, Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa, trong đó có tên lửa ATACMS được Washington bí mật chuyển giao cho Ukraine trong những tuần gần đây, để gây áp lực lên các lực lượng Nga ở phía sau tiền tuyến, đặc biệt là ở Crimea, từ đó đặt nền móng cho các hành động quân sự trong tương lai.

Viện trợ quân sự của Mỹ sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian để cầm cự cho đến cuối năm nay, cho phép quân đội Kiev tăng cường phòng thủ và huy động nhân lực cần thiết để quay trở lại tấn công. Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, việc Mỹ thông qua đạo luật viện trợ bị trì hoãn từ lâu đã báo hiệu cho các đối tác và đối thủ của Washington trên khắp thế giới rằng, Mỹ không bỏ rơi bạn bè, ngay cả khi đối mặt với sự phân cực sâu sắc trong nội bộ.

Theo Kyiv Independent, Washington Post, Telegraph