Ukraine có thể thiệt hại thế nào khi viện trợ đến chậm?
(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng, trước khi vũ khí viện trợ của Mỹ ùn ùn đổ vào Ukraine, nước này có thể hứng chịu thêm tổn thất trước làn sóng tấn công của Nga.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD và Tổng thống Joe Biden sẽ ký thành luật trong hôm nay 24/4 để khơi thông luồng vũ khí cho Ukraine vốn bị đình trệ từ tháng 10 năm ngoái, chấm dứt sự bế tắc kéo dài suốt 7 tháng qua.
Việc dự luật viện trợ của Mỹ được lưỡng viện thông qua nhanh chóng giúp Ukraine và các đồng minh của nước này thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, sự thất vọng về sự chậm trễ do đấu đá chính trị nội bộ trong Quốc hội Mỹ gây ra vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống, do Kiev vẫn phải đối mặt với vài tuần bấp bênh trong lúc chờ đợi vũ khí và đạn dược cực kỳ cần thiết được chuyển đến.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với MSNBC ngày 21/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự chậm trễ "đã gây ra hậu quả thực sự" cho Ukraine.
Ông Stoltenberg nói: "Trong nhiều tháng, Ukraine bị áp đảo về vũ khí, khoảng 1:5 hoặc 1:10, tùy thuộc từng mặt trận".
Ông nói thêm: "Chúng tôi nhận thấy rằng có ít tên lửa và UAV của Nga bị bắn hạ chỉ vì chúng thiếu hệ thống phòng không và đạn dược".
Mặc dù khó có thể quy trực tiếp các thất bại của Ukraine là do viện trợ chậm trễ, nhưng điều chắc chắn là tình hình đã xấu đi đáng kể trên một số mặt trận trong thời gian này.
Các quan chức phương Tây và Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ, Joe Biden, không ngại đổ lỗi cho điều đó.
Nguy cơ mất thêm lãnh thổ
Mặc dù chiến tuyến ở Ukraine chỉ thay đổi từng bước so với các giai đoạn trước, nhưng những tiến bộ đạt được đều có lợi cho Nga.
Sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ buộc Ukraine phải chuyển sang thế phòng thủ, trao quyền chủ động trên toàn chiến trường cho lực lượng Moscow.
Kateryna Stepanenko, nhà phân tích Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nói với Reuters hôm 22/4: "Viện trợ đến quá muộn, do tình trạng thiếu hụt trang thiết bị khiến Ukraine mất thế chủ động vào tháng 10/2023".
Chuyên gia Stepanenko nói thêm rằng Ukraine mất 583km2 lãnh thổ vào tay lực lượng Nga kể từ đó, phần lớn là do thiếu đạn pháo.
Thất bại đáng kể nhất đối với Ukraine là thành phố Avdiivka ở Donetsk, nơi sụp đổ vào ngày 17/2 sau cuộc tấn công liên tục kéo dài nhiều tháng của Nga.
Trước đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cảnh báo tình trạng thiếu đạn pháo có thể dẫn đến việc mất thành phố. Sau khi Avdiivka thất thủ, ông Biden thẳng thừng đổ lỗi cho sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ.
"Sáng nay, quân đội Ukraine buộc phải rút khỏi Avdiivka vì binh lính Ukraine thiếu đạn dược do nguồn cung ngày càng cạn kiệt bởi quốc hội không hành động, dẫn đến những thắng lợi đáng chú ý đầu tiên của Nga sau nhiều tháng", ông Biden tuyên bố hôm 17/2, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Zelensky.
Bất chấp những bước tiến của Nga, chiến dịch Avdiivka cũng khiến Nga thiệt hại nặng về nhân lực và trang thiết bị. Moscow được cho là mất hơn 20.000 quân, 199 xe tăng và 481 xe chiến đấu bọc thép trong khu vực đó chỉ trong tháng 1 và tháng 2.
Những nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát lãnh thổ Ukraine vẫn tiếp tục khi họ cố gắng tận dụng độ trễ giữa thời điểm dự luật viện trợ được thông qua và viện trợ thực sự đến chiến trường.
Quân đội Ukraine hôm 22/4 cho biết khoảng 20.000 đến 25.000 binh sĩ Nga đang cố gắng tấn công Chasov Yar và các khu định cư ở ngoại ô thành phố.
Thiệt hại cơ sở hạ tầng năng lượng
Trong mùa thu đông năm 2022-2023, Nga gần như đạt được mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng ở các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.
Chiến dịch này là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp, bao gồm cả hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
Trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2023, nhiều cuộc tập kích đường không của Nga vào Kiev đã bị ngăn chặn thành công.
Sự tập trung đông đảo của UAV và tên lửa khiến người dân nhiều đêm mất ngủ, nhưng những vụ nổ khiến họ tỉnh táo là âm thanh của mục tiêu bị các tổ hợp phòng không mới đánh chặn và phá hủy.
Kể từ đầu năm 2024, đó là một câu chuyện rất khác. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV hàng loạt của Nga, tuy ít thường xuyên hơn, nhưng lại có sức tàn phá lớn hơn nhiều khi Ukraine sắp hết đạn dược cần thiết cho các hệ thống phòng không của mình.
Không nơi nào điều này được minh họa rõ ràng hơn vào ngày 11/4, khi nhà máy nhiệt điện Trypillia ở Kiev bị phá hủy hoàn toàn.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 16/4, ông Zelensky nói rõ lý do tại sao 4 trong số 11 tên lửa bắn vào nhà máy lại thành công lao vào mục tiêu.
Tổng thống nói: "Tại sao? Bởi vì không có tên lửa nào cả. Chúng tôi đã dùng hết số tên lửa bảo vệ Trypillia".
Các thành phố khác của Ukraine có phòng không mỏng hơn Kiev thậm chí còn ở tình trạng tồi tệ hơn. Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov ngày 17/4 cho biết, ông tin rằng thành phố của ông có nguy cơ trở thành "Aleppo thứ hai" nếu không được hỗ trợ để có thêm hệ thống phòng không.
Nga gần đây tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkov, nơi có dân số 1,4 triệu người vào năm 2021, bằng việc sử dụng tên lửa, bom lượn và máy bay không người lái, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng.
Vào tháng 3, các cuộc tấn công được cho là đã làm hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn 80% công suất sản xuất nhiệt điện của DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine.
Ngày 23/4, nhà điều hành năng lượng quốc doanh Ukrenergo của Ukraine cho biết nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do Nga tấn công vào hệ thống năng lượng, buộc Kiev phải tạm thời hạn chế cung cấp điện cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp.
Tổn thất về người
Mặc dù khó có thể quy trực tiếp những cái chết của dân thường là do sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ, dữ liệu từ Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho thấy số người chết và bị thương đã tăng trở lại vào tháng 12 và tháng 1, trùng hợp với các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV ngày càng hiệu quả của Nga.
Số liệu của Liên Hợp Quốc không bao gồm số người chết và bị thương ở những khu vực bị Nga kiểm soát và con số thực gần như chắc chắn cao hơn nhiều trong suốt cuộc xung đột.
Liên Hợp Quốc cũng báo cáo rằng, ít nhất 604 thường dân Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong tháng 3, tăng 20% so với tháng trước.
Về số người chết trên chiến trường, không có dữ liệu công khai về số quân Ukraine thiệt mạng trong khi dự luật viện trợ của Mỹ đang được tranh luận, nhưng ông Zelensky cho biết vào tháng 2 rằng tổng số người thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột toàn diện với Nga là khoảng 31.000 người.
Không có thêm số liệu chính thức kể từ đó, nhưng có một điều chắc chắn là càng có nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng trên chiến trường thì cuộc chiến càng kéo dài.