Dàn vũ khí đặc biệt giúp Nga bắn rơi 1.233 máy bay không người lái Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, năng lực bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của Nga đã đạt được bước tiến đáng kể trong thời gian qua khi đã bắn rơi tổng cộng 1.200 chiếc của Ukraine trong gần 4 tháng qua.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/6 thông báo, tính đến hôm qua, Nga đã bắn rơi của UAV tổng cộng 1.233 chiếc UAV Ukraine sau hơn 100 ngày mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.
Con số do Nga cung cấp có thể không chính xác tuyệt đối do chiến sự phức tạp có thể ảnh hưởng tới việc thống kê, nhưng theo các ghi nhận từ hiện trường, Ukraine trong thời gian qua dường như đã bị mất nhiều UAV, bao gồm cả máy bay nội địa lẫn nhập khẩu.
Theo Asia Times, Nga đã sử dụng nhiều phương pháp để vô hiệu UAV của Ukraine, trong bối cảnh vũ khí này ngày càng được nhiều nền quân đội coi là khí tài của tác chiến hiện đại. UAV vừa làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin đối thủ, vừa khóa mục tiêu và có thể tấn công, nhưng không gây ra rủi ro bị thiệt hại về người.
Để đối phó Nga, Ukraine đã mang tới chiến trường các UAV hiện đại như chiếc M1 do Kiev tự sản xuất với khả năng cung cấp thông tin chính xác cho hỏa lực tầm xa nhằm vào mục tiêu. Ukraine cũng được Mỹ chuyển cho các UAV cảm tử nổi tiếng Switchblade, sử dụng động cơ điện chạy bằng pin. Switchblade rất khó bị phát hiện vì nó không có dấu hiệu nhiệt hồng ngoại và radar đối thủ không dễ để định vị được UAV này.
Ngoài ra, UAV nổi tiếng nhất mà Ukraine sử dụng là TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ với khả năng tấn công ấn tượng và gây không ít thiệt hại cho Nga.
Nhìn chung, để bắn rơi UAV, Nga sẽ dùng 2 phương pháp là tác chiến điện tử hoặc dùng động học.
Là cường quốc quân sự mạnh về tác chiến điện tử, Nga sử dụng hàng loạt các hệ thống làm nhiễu khác nhau ở Ukraine. Một số hệ thống nổi bật có thể kể đến như Borisoglebsk-2 và Krasukha-4 - các tổ hợp được đặt trên xe thiết giáp. Giới quan sát đánh giá, chúng hoạt động khá hiệu quả trong việc đánh chặn UAV đối thủ bằng cách phát tín hiệu gây nhiễu khiến UAV bị cắt đứt thông tin liên lạc với trạm chỉ huy hoặc phá hủy hệ thống bên trong mục tiêu.
Ngoài ra, Nga cũng sử dụng chiến thuật UAV đánh chặn UAV. Họ triển khai hệ thống làm nhiễu trên UAV đa nhiệm Orlan-10. UAV này sau đó sẽ hoạt động như một tấm lưới phía trên, quét các mục tiêu của đối thủ và loại bỏ chúng.
Hệ thống tác chiến điện tử của Orlan-10 có chức năng phân biệt địch - ta. Nó có thể gắn các bộ thiết bị làm nhiễu và thiết lập các vùng gây nhiễu sóng.
Orlan-10 cũng có nhiệm vụ xác định các sở chỉ huy và pháo binh của đối phương để truyền tin về cho quân nhân Nga. Trong các hoạt động gây nhiễu, cần ít nhất 3 chiếc Orlan-10 bao phủ một khu vực cụ thể. Nga được cho đã mất ít nhất 50 máy bay không người lái Orlan-10 trong gần 4 tháng qua, nhưng Moscow vẫn đang vận hành hàng trăm chiếc khác và có hàng nghìn chiếc dự bị.
Bên cạnh phương pháp tác chiến điện tử, các lá chắn phòng không của Nga còn hoạt động tích cực, gây ra tổn hại không nhỏ cho UAV của Ukraine.
Các lá chắn này hoạt động hiệu quả nhất trong kịch bản UAV đối thủ tiếp cận gần mục tiêu của Moscow. Nga sử dụng nhiều nhất là các tên lửa tầm ngắn TOR M1 và TOR M2. Hệ thống TOR hiện đã được trang bị radar và tên lửa đánh chặn tiên tiến hơn giúp phát hiện và đánh chặn hiệu quả hơn.