1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đại sứ Nga nêu lý do Taliban chưa chiếm thành trì kháng chiến Panjshir

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đã nhận định về lý do vì sao Taliban chưa tấn công Panjshir - nơi duy nhất tại Afghanistan mà phong trào vũ trang này chưa giành quyền kiểm soát.

Đại sứ Nga nêu lý do Taliban chưa chiếm thành trì kháng chiến Panjshir - 1

Lực lượng chống Taliban được tập hợp tại Panjshir dưới sự dẫn dắt của một số quan chức cấp cao của chính quyền Afghanistan cũ (Ảnh: Facebook).

Sputnik đưa tin, Đại sứ Zhirnov ngày 28/7 cho rằng, Taliban hiện tại có thể dễ dàng tấn công và giành quyền kiểm soát Panjshir - nơi được mệnh danh là thành trì cuối cùng ở Afghanistan vì Taliban chưa giành được quyền điều hành ở đây.

"Tôi cho rằng Taliban có thể chiếm Panjshir trong một ngày, thậm chí là trong vài giờ đồng hồ, nhưng họ không như làm như vậy để tránh một cuộc xung đột đổ máu", ông Zhirnov nhận định.

Nhà ngoại giao Nga cho biết, tình hình tại Panjshir hiện vẫn bình thường.

Nổi tiếng với địa hình hiểm trở cùng phong trào chống Taliban mạnh mẽ, Panjshir được coi là pháo đài, thành trì cuối cùng ở Afghanistan trước đà tấn công của Taliban.

Đại sứ Nga nêu lý do Taliban chưa chiếm thành trì kháng chiến Panjshir - 2

Thung lũng Panjshir là thành trì cuối cùng của Afghanistan thách thức quyền kiểm soát của Taliban (Ảnh: Dailymail).

Những ngày qua, các lãnh đạo chính trị và quân sự của chính quyền Afghanistan cũ, trong đó có Phó Tổng thống Amrullah Saleh, đã đổ về đây để tập hợp một lực lượng kháng chiến nhằm chống lại Taliban.

Phong trào kháng chiến chống Taliban đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người bao gồm các binh sĩ quân đội, lính đặc nhiệm Afghanistan không đầu hàng Taliban, các nhóm du kích địa phương. Họ cũng sở hữu vũ khí mà các binh sĩ đưa tới và đang kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây.

Tuần trước, Taliban cho biết hàng trăm tay súng của lực lượng này đã "bao vây" Thung lũng Panjshir từ 3 hướng. Các thủ lĩnh Taliban quyết định đưa chiến binh đến Panjshir do các cuộc đàm phán với lực lượng kháng chiến không thu được kết quả nào.

Taliban chuẩn bị thành lập chính phủ mới

Đại sứ Nga nêu lý do Taliban chưa chiếm thành trì kháng chiến Panjshir - 3

Taliban hiện kiểm soát hầu hết lãnh thổ Afghanistan (Ảnh: Getty).

Trong khi đó, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid ngày 28/8 thông báo rằng họ đang chuẩn bị một nội các mới trong bối cảnh cuộc di tản của Mỹ sắp khép lại. Ông Mujahid kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Taliban sau khi rút quân.

Taliban đang đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó nổi bật là hàng loạt các vấn đề về mặt kinh tế 2 tuần sau khi họ lên nắm quyền. Đồng tiền mất giá, giá cả thực phẩm leo thang và ngân hàng vẫn đóng cửa nhiều ngày sau khi chính phủ cũ thân phương Tây sụp đổ.

Ngày 28/8, Taliban yêu cầu các ngân hàng mở cửa lại và đặt ra hạn mức rút tiền mỗi tuần cho người dân là 200 USD.

Liên Hợp Quốc cảnh báo Afghanistan đối mặt với thảm họa nhân đạo trong thời gian tới. Nền kinh tế vốn bị tàn phá sau hàng chục năm chiến tranh, tiếp tục đối mặt với việc mất đi hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Mujahid trấn an rằng, các vấn đề về kinh tế có thể sẽ được giải quyết khi chính phủ mới được thành lập và đi vào hoạt động.

Taliban chiếm dinh tổng thống Afghanistan

Ngoài ra, Đại sứ Nga Zhirnov cho biết, việc nhóm khủng bố ISIS-K - một nhánh của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan - tấn công vào sân bay Kabul hôm 26/8 gây ra thách thức lớn với Taliban, do lịch sử đối đầu "không đội trời chung" giữa 2 lực lượng này.

"Cuộc đối đầu là không thể hòa giải. Việc ISIS-K đứng sau vụ tấn công ở sân bay đặt ra thách thức lớn cho Taliban vì họ đang là lực lượng nắm quyền ở Afghanistan. Những gì xảy ra ảnh hưởng mạnh tới uy tín của Taliban", ông Zhirnov nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm