1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu Tổng thống Nga Medvedev hoài nghi về tương lai của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hoài nghi về sự tồn tại của Ukraine trên bản đồ thế giới, trong bối cảnh chiến sự giữa Moscow và Kiev hiện vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Cựu Tổng thống Nga Medvedev hoài nghi về tương lai của Ukraine  - 1

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

Trên tài khoản mạng xã hội Telegram, ông Medvedev đã bình luận về thông tin Ukraine sẽ đề nghị nước ngoài hỗ trợ Kiev nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

"Tôi đọc được thông tin Ukraine muốn nhận LNG từ nước ngoài và sẽ hoãn thanh toán trong 2 năm tới, vì nếu không làm như vậy thì Ukraine sẽ đóng băng vào mùa đông kế tiếp", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga viết.

"Một câu hỏi duy nhất là, ai dám chắc Ukraine sẽ vẫn còn tồn tại trong 2 năm tới?", ông Medvedev, người từng là tổng thống và thủ tướng Nga, bình luận.

Ông Medvedev đồng thời nói rằng: "Mỹ không còn quan tâm tới điều đó". Ông cáo buộc Washington "đã đầu tư rất nhiều vào dự án nhằm chống Nga tới mức mọi thứ khác đều không còn ý nghĩa với họ".

Ukraine chưa phản hồi về các bình luận trên.

Bình luận của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh Nga vẫn đang tăng tốc chiến dịch quân sự giai đoạn 2 ở Ukraine với mục tiêu là vùng Donbass ở miền Đông. Nhờ ưu thế áp đảo về hỏa lực, Nga đã kiểm soát gần như hoàn toàn khu vực này và gây ra những thiệt hại đáng kể cho Ukraine.

Kiev cho biết, họ mất trung bình 100-200 quân nhân mỗi ngày, nhưng khẳng định họ sẽ tiếp tục chiến đấu và không nhượng bộ lãnh thổ.

Hai bên vẫn chưa thể thống nhất các điều kiện để có thể nối lại quá trình đàm phán vốn đã đình trệ trong vài tháng qua.

Hồi đầu tháng, ông Medvedev cho biết, trước đó Ukraine "dường như đã sẵn sàng đàm phán với Nga về các vấn đề chủ chốt" và tiếp cận cuộc thương lượng với quan điểm khá thực tế.

Tuy nhiên, ông Medvedev nói rằng Ukraine đã dừng các cuộc đàm phán và cáo buộc động thái này dường như bị ảnh hưởng từ Mỹ và Brussels (nơi đặt trụ sở EU).

"Hậu quả sẽ là gì? Chúng đã rõ ràng. Thật đáng tiếc vì sẽ có thêm các nạn nhân, thêm các công trình bị tàn phá và Ukraine có thể sẽ mất thêm nhiều lãnh thổ vì tình hình hiện tại. Cuối cùng, việc từ chối đàm phán về bản chất sẽ dẫn đến một điều - đó là mất chủ quyền quốc gia", cựu Tổng thống Nga Medvedev cảnh báo.

Ông khi đó cũng cáo buộc NATO, Mỹ và EU đang cản trở một giải pháp hòa bình về tình hình ở Ukraine. "Nếu không phải vì lập trường của họ, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận", ông Medvedev nói.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine