1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc so găng giữa các tiêm kích "hổ mang chúa" của Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 100 ngày qua, cả Nga và Ukraine đều sử dụng tiêm kích Su-27, nhưng phiên bản của Moscow được đánh giá là hiện đại vượt trội đối thủ.

Cuộc so găng giữa các tiêm kích hổ mang chúa của Nga - Ukraine - 1

Một chiếc Su-27 cất cánh từ căn cứ Starokostiantyniv ở Ukraine năm 2018 (Ảnh: BI).

Theo Business Insider, các diễn biến trên chiến trường hơn 3 tháng qua cho thấy, cả Nga và Ukraine đều điều động các tiêm kích Su-27 thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Tuy giống về tên nhưng trên thực tế dòng Su-27 ở mỗi bên đều khác nhau do hệ thống thiết bị, khí tài…

Phiên bản Su-27 mà Ukraine đang bay không được nâng cấp hay hiện đại hóa nhiều như phiên bản của Nga. Các phi công Ukraine phải dựa vào kỹ năng cá nhân để có thể theo kịp các máy bay Su-27 của Nga.

Cụ thể, Ukraine đang vận hành những chiếc Su-27 có từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Su-27 của Ukraine vẫn có khả năng cơ động và tốc độ như Su-27 của Nga, nhưng hệ thống điện tử hàng không, cảm biến và vũ khí của Moscow ở thế vượt trội.

Nga đang sử dụng tên lửa R-37M mới, so với tên lửa R-27 mà Ukraine đang triển khai trên Su-27. R-37M có tầm tấn công xa gấp 5 lần R-27. R-37M cũng có thể bay nhanh gấp 6 lần âm thanh và là một trong những tên lửa không đối không tốt nhất được triển khai vào thời điểm này.

Ngoài vũ khí, tiêm kích Su-27 của Nga có hàng loạt lợi thế như sử dụng radar chủ động dẫn đường cho tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống liên kết dữ liệu tác chiến, theo Military Watch.

Cuộc so găng giữa các tiêm kích hổ mang chúa của Nga - Ukraine - 2

Một tiêm kích Su-27 của Nga (Ảnh: AP).

Vì vậy, đã có những thông tin về việc Su-27 của Ukraine đã chịu tổn thất trong những tháng qua, bao gồm bị trúng tên lửa từ hệ thống S-400 hay bị Su-35 của Nga loại khỏi vòng chiến đấu. Theo các chuyên gia, Su-27 của Ukraine đang chậm hơn của Nga 3 thập niên và chúng đòi hỏi hoạt động bảo dưỡng cường độ cao để duy trì uy lực trên không.

Ukraine gặp khó trong việc nhập linh kiện từ nhà thầu Sukhoi của Nga từ những năm 2009. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine chỉ có 19 chiếc Su-27 được xem là sẵn sàng bay.

Mặc dù vậy, Su-27 vẫn được đánh giá rất cao về năng lực tác chiến trên không, xứng đáng với biệt danh "hổ mang chúa". Đại tá Ukraine đã nghỉ hưu Oleksandr Oksanchenko nhận định rằng, Su-27 vẫn là tiêm kích ấn tượng khi chúng bay trên không trung.

Theo Business Insider, để duy trì được một số lượng nhỏ Su-27 sau 3 tháng chiến sự khốc liệt, Ukraine đã dựa vào năng lực của các phi công.

Thành tựu lớn nhất mà phi đội Su-27 và các máy bay khác của Ukraine đạt được dù gặp nhiều tổn thất là ngăn cản Nga kiểm soát hoàn toàn không phận. Có nhiều ví dụ cho thấy, kỹ năng của các phi công Su-27 Ukraine là khá tốt và đã góp phần giúp tiêm kích của họ hoàn thành tốt một số nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thách thức với các phi công Ukraine vẫn còn tồn tại. Dù Su-27 vẫn là một tiêm kích tốt dù trong một thời gian dài chưa được nâng cấp, nhưng có rất nhiều yếu tố tác động tới uy lực của nó như các hệ thống phụ trợ. Ngoài ra, nhiều sân bay quân sự Ukraine đã bị phá hủy ở miền Đông, nên các tiêm kích này phải cất cánh từ các sân bay ngắn hơn ở miền Tây. Các chuyên gia đều cho rằng, hiện rất khó đánh giá liệu đội Su-27 của Ukraine có thể cầm chân các tiêm kích hiện đại của Nga thêm bao lâu để không để mất quyền kiểm soát không phận.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine