1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến thông tin "đốt nóng" khủng hoảng Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngoài cuộc chiến trên thực địa, cả Nga và Ukraine được cho đang cạnh tranh nhau trên mặt trận thông tin, khi những tin tức bất lợi cho bên này lại được xem là có lợi cho bên còn lại.

Cuộc chiến thông tin đốt nóng khủng hoảng Nga - Ukraine - 1

Hình ảnh được cắt ra từ đoạn video "bóng ma Kiev" do nhiều tài khoản chính phủ Ukraine đăng tải (Ảnh chụp màn hình: Newsweek).

New York Times (NYT) đưa tin, vài ngày sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, một phi công bí ẩn với biệt danh "Bóng ma Kiev" bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội và một số trang tin tức khi xuất hiện một đoạn video cho thấy phi công này điều khiển máy bay bắn rơi một vài tiêm kích của Nga.

Đoạn video được các tài khoản Twitter chính thức của chính quyền Ukraine chia sẻ vào ngày 27/2. Nó lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Cơ quan An ninh Ukraine sau đó cũng đăng đoạn video lên trang Telegram với 700.000 người theo dõi của họ.

Đoạn video về "Bóng ma Kiev" đã thu hút 9,3 triệu lượt xem trên Twitter, trong khi trên TikTok dòng hashtag về phi công này có 200 triệu lượt xem.

Tuy nhiên, sau đó hãng tin Reuters đã đăng tải một bài viết kiểm chứng về tính xác thực của video này và cho biết, đoạn video thực tế được cắt ra từ một trò chơi điện tử mang tên Digital Combat Simulator. Matthias Techmanski, phát ngôn viên của Eagle Dynamics - bên phát triển trò chơi, cũng xác nhận thông trên. 

Theo NYT, trong một cuộc chiến thông tin giữa lúc chiến sự thực sự đang diễn ra, các bên có khả năng sẽ đưa ra các thông tin dù đôi khi chúng có tính xác thực không cao. Trên thực tế, tình hình trên chiến trường khá hỗn loạn và việc thông tin không chính xác lan truyền là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, việc các bên chọn việc công bố nó rộng rãi trên khắp mạng lưới thông tin hay không là do tính toán của họ. Ví dụ, thông tin về "bóng ma Kiev" có thể khích lệ tinh thần của quân đội Ukraine nhưng lại gây bất lợi cho Nga, quốc gia vốn được xem có nền không quân áp đảo hơn hẳn nước láng giềng.

Trong cuộc chiến thông tin, các bên sẽ nỗ lực cung cấp các tin tức, hình ảnh mang lại lợi ích cho chiến dịch của họ, hoặc giải thích về hành động của họ. Ví dụ, Nga tuyên bố chiến dịch quân sự do họ tiến hành là nhằm chống lại sự gây hấn của Ukraine, và giải phóng người dân nước này khỏi "chủ nghĩa phát xít và tân phát xít". Nga cũng cáo buộc, phía Ukraine dùng dân thường làm "lá chắn" hay cáo buộc đối thủ bắn hỏa lực vào khu vực dân sinh. Tuy nhiên, lời cáo buộc của Nga bị phương Tây bác bỏ.

Tìm kiếm sự ủng hộ

Trong một cuộc chiến được xem là "không cân sức" trên thực địa, New York Times nhận định, các nỗ lực tuyên truyền của Ukraine thường tập trung vào các nhân vật mà họ ca ngợi là "người hùng" hoặc các binh sĩ thiệt mạng khi đối đầu với lực lượng Nga.

Động thái của Ukraine được xem là nhằm thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, cũng như cố gắng thúc đẩy tinh thần của các quân nhân.

Theo NYT, ngay cả việc một bên công bố thông tin về thương vong của bên còn lại trong chiến sự đôi khi cũng có thể xem là một động thái tuyên truyền.

Trong các cuộc chiến trước đó, các quân nhân thường sẽ cố gắng phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của đối phương và hạn chế các biện pháp tuyên truyền thời chiến, thậm chí cắt các đường dây liên lạc như cáp điện báo. Nhưng trong thời kỳ mạng xã hội và công nghệ lên ngôi, cách tác chiến trên mặt trận thông tin đã có nhiều thay đổi và ý kiến của dư luận cũng có thể trở thành một "vũ khí".

Một ví dụ điển hình khác có thể kể tới là vụ đảo Rắn , một tiền đồn của Ukraine ở Biển Đen. Ban đầu, phía chính quyền Ukraine tuyên bố toàn bộ 13 quân nhân trên đảo đã thiệt mạng khi chống trả lại lực lượng Nga đổ bộ lên đảo hôm 24/2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ trao tặng danh hiệu "Anh hùng" cho các quân nhân này.

Tuy nhiên, vài ngày sau đó, truyền thông Nga đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh 82 quân nhân Ukraine vẫn còn sống và mạnh khỏe vì họ chỉ buông vũ khí trước quân đội Nga.

Ukraine sau đó xác nhận trên trang Facebook chính thức rằng, các quân nhân vẫn sống sót và đang bị Nga giam giữ.

Câu chuyện ban đầu dù không chính xác nhưng đã gây "bão" trên nhiều nền tảng mạng xã hội, mang về sự ủng hộ rộng rãi của dư luận cho Ukraine.

Bản thân các nền tảng mạng xã hội, nơi những thông tin này được lan truyền mạnh mẽ, hiện vẫn chưa có đủ khả năng để xác minh được thông tin nào là chính xác và thông tin nào sai sự thật khi chúng được chia sẻ lên.

NYT nhận định, các chuyên gia đánh giá Ukraine đang hoạt động hiệu quả hơn Nga trong hoạt động tác chiến thông tin. Theo chuyên gia Ian Garner, một nhà sử học, hoạt động tuyên truyền của Nga dường như không hướng tới quy mô cộng đồng quốc tế như Ukraine, mà Moscow tập trung vào việc cung cấp thông tin để giải thích cho dư luận nước này hiểu về nguyên nhân họ mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, để có thể nhận được sự ủng hộ từ người dân trong nước.

Nga dường như cũng ý thức được các nỗ lực của Ukraine trên mặt trận thông tin thời gian qua. 

Hôm 2/3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo, lực lượng vũ trang nước này đã tấn công các mục tiêu tại Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và một cơ sở về tác chiến thông tin ở Kiev.

"Để ngăn cuộc chiến thông tin chống tại Nga, vũ khí chính xác cao đã nhắm vào các mục tiêu công nghệ của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), và Trung tâm Tác chiến Thông tin và Tâm lý chiến số 72 ở Kiev", ông Konashenkov thông báo. 

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine