1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Covid-19 diễn biến khó lường, ông Putin gặp thách thức cực lớn ở nhiệm kỳ 4

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang đặt ra thách thức chưa từng có tiền lệ cho nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin khi vừa phải đối phó dịch bệnh vừa ngăn nguy cơ suy thoái kinh tế.

Covid-19 diễn biến khó lường, ông Putin gặp thách thức cực lớn ở nhiệm kỳ 4 - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Thách thức chưa từng có tiền lệ

Trả lời phỏng vấn CNBC cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận, nước Nga đang phải đối mặt với một thách thức "chưa từng có" do dịch Covid-19.

"Đó là một thách thức lớn, một mối đe dọa lớn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Không chỉ riêng nước Nga, tất cả các nước đều đang phải đối mặt với thách thức này, một thách thức chưa từng có tiền lệ, chúng tôi chưa từng đối mặt một thách thức như vậy", ông Peskov nói. Quan chức Điện Kremlin nói thêm: "Chúng tôi biết rằng ngoài mối đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của loài người, đại dịch này còn kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và đó sẽ là một thách thức nữa".

Tính đến ngày 12/5, với hơn 230.000 ca mắc Covid-19, Nga là tâm dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong nỗ lực nhằm ngăn dịch lây lan, chính phủ Nga đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3. Tổng thống Vladimir Putin đầu tuần này quyết định sẽ nới dần lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 12/5. Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, nước Nga đã tận dụng thời gian cách ly xã hội khoảng 6 tuần để củng cố thêm cho hệ thống y tế và điều này đã “cứu sống được hàng nghìn người”.

Việc nới lỏng phong tỏa được cho là một phần trong nỗ lực của chính phủ Nga nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch suốt một thời gian dài. Quyết định được đưa ra giữa lúc số ca mắc Covid-19 tại Nga tiếp tục tăng nhanh trong những ngày gần đây với trung bình hơn 10.000 ca mới mỗi ngày. Bản thân Tổng thống Putin cũng thừa nhận: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài và đầy gian khó ở phía trước và chúng ta không được phép mắc sai lầm”.

Bài toán nan giải

Covid-19 diễn biến khó lường, ông Putin gặp thách thức cực lớn ở nhiệm kỳ 4 - 2
Liên tiếp 2 vụ hỏa hoạn ở 2 bệnh viện điều trị Covid-19 của Nga. (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong vòng vài ngày trở lại đây, nước Nga xảy ra 2 vụ cháy tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hôm 9/5, hỏa hoạn xảy ra tại bệnh viện Spasokukotsky ở tây bắc Moscow, khiến ít nhất 1 người tử vong. Đây là một trong những cơ sở y tế được chỉ định điều trị cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô của Nga. Một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra hôm qua ở khu điều trị tích cực của bệnh viện St. George ở thành phố St. Petersburg, khiến 5 bệnh nhân thiệt mạng. Nguyên nhân vụ hỏa họa được cho là do chập cháy điện với các máy thở dùng cho bệnh nhân Covid-19.

Thách thức chưa dừng lại đó khi nhiều quan chức chính phủ Nga cũng trở thành nạn nhân của Covid-19. Gần đây nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, trợ lý thân cận của Tổng thống Putin, ngày 12/5 được xác nhận phải nhập viện điều trị Covid-19. Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nhà ở Nga Vladimir Yakushev, Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova cũng được xác nhận dương tính với virus corona mới gây viêm phổi cấp.

Đại dịch Covid-19 đã trở thành một cuộc khủng hoảng thử thách ứng phó của nước Nga nói chung và Tổng thống Putin, người đang lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 4, nói riêng. Hồi tháng 3, giá dầu lao dốc sau khi Ả rập Xê út, một nước từng là đồng minh của Nga trên thị trường năng lượng, khởi động một cuộc chiến về giá với Moscow. Hai nước sau đó đã thương thảo để ký một thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm "cứu" giá dầu - nguồn thu quan trọng của nước Nga. Tuy nhiên, giá dầu vẫn ở mức cực thấp trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bết bát do tác động của dịch Covid-19.

Điều đó làm dấy lên hoài nghi về khả năng ngăn đà suy giảm kinh tế của Nga mặc dù Tổng thống Putin khẳng định trên truyền hình quốc gia hôm 11/5 rằng, ưu tiên hàng đầu của ông là “đưa nền kinh tế phục hồi trở lại nhanh nhất có thể”.

Đáng nói là, chính phủ liên bang tuyên bố bắt đầu nới lỏng dần phong tỏa, song quyết định cuối cùng khi nào chấm dứt phong tỏa để mở cửa kinh tế trở lại sẽ tùy vào tình hình của từng địa phương. Tại thủ đô Moscow, Thị trưởng Sergey Sobyanin cho biết, các lệnh hạn chế sẽ được duy trì ít nhất đến 31/5 với lý do số người nhiễm bệnh vẫn tăng mạnh. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24, ông Sobyanin nói, các nghiên cứu chỉ ra số người nhiễm bệnh thực tế ở đây có thể cao gấp 3 lần thống kê.

Minh Phương

Theo CNBC, CNN