DNews

"Con ngựa thành Troy" thời hiện đại gây choáng váng cho Hezbollah

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ hàng nghìn thiết bị liên lạc của Hezbollah đồng loạt phát nổ có thể đánh dấu một kỷ nguyên nguy hiểm của tác chiến hiện đại: Mọi vật dụng dân sự đều có nguy cơ bị vũ khí hóa.

"Con ngựa thành Troy" thời hiện đại gây choáng váng cho Hezbollah

Trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về "con ngựa thành Troy" (con ngựa thành Tơ-roa) đã được xem là một bài học kinh điển về chiến thuật quân sự. Quân Hy Lạp khi đó đã giành được thành Troy sau 10 năm chiến đấu nhờ đưa đầy quân lính vào trong một con ngựa gỗ và đánh lừa đối thủ.

Khi đối phương mất cảnh giác, binh sĩ từ con ngựa gỗ đã tràn ra ngoài và giành được chiến thắng quan trọng khiến quân lính Troy thất thủ.

Ngày 17 và 18/9, sau khi hơn 5.000 máy nhắn tin, bộ đàm và pin năng lượng mặt trời của Hezbollah đồng loạt phát nổ ở Li Băng, nhiều chuyên gia lại một lần nữa nhắc về truyền thuyết Hy Lạp cổ đại.

Dù trong phiên bản này, bên tấn công Hezbollah không dùng con ngựa gỗ có chứa đầy quân lính bên trong để đánh lừa nhóm vũ trang của người Li Băng, nhưng nó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và khiến cho nội bộ của phong trào rối loạn.

Kỷ nguyên "vũ khí hóa" mọi thứ

Hezbollah nhanh chóng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này, trong khi Tel Aviv bác bỏ và cho rằng nhóm vũ trang người Li Băng có rất nhiều kẻ thù trong khu vực.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây nhận định, đây có thể chính là một sản phẩm của tình báo Israel. Các nguồn tin của New York Times, Reuters đều chỉ ra rằng Israel dường như đã lập ra hàng loạt công ty vỏ bọc từ Á sang Âu chuyên sản xuất thiết bị liên lạc.

Phiên bản được bán cho Hezbollah không có gì khác thường ngoài việc phần pin bị cài thuốc nổ. Các máy nhắn tin bị cài thuốc nổ đã thành công qua mặt được Hezbollah, khiến cho nhóm vũ trang không mảy may nghi ngờ.

Thậm chí, vài giờ đồng hồ trước khi các thiết bị nổ tung khắp Li Băng, Hezbollah vẫn còn đang phát thiết bị cho các thành viên.

Theo Asia Times, đây được xem là dấu hiệu của chiến thuật "vũ khí hóa" mọi thứ, kể cả đồ dân dụng. Chiến thuật này rất nguy hiểm vì nó sẽ khiến cho bên bị tấn công rơi vào thế bị động, không thể ngờ tới, cũng như đe dọa phá hủy trên diện rộng vì đồ dân dụng là thứ mà mọi người đều có thể sử dụng.

Con ngựa thành Troy thời hiện đại gây choáng váng cho Hezbollah - 1

Vụ nổ máy nhắn tin gây chấn động Li Băng (Ảnh: Acaba).

Nhà phân tích bảo mật Mark Galeotti nhận định, trước khi vụ máy nhắn tin phát nổ đồng loạt ở Li Băng xảy ra, nhiều người sẽ khó nghĩ tới kịch bản này, vì nó giống nội dung của các bộ phim Hollywood hoặc phim kinh dị tội phạm mạng nhiều hơn.

Theo quan điểm của họ, việc biến máy nhắn tin hoặc điện thoại thành thiết bị nổ có lẽ là bất khả thi cả về mặt công nghệ lẫn hậu cần. Đó là loại kịch bản mà chỉ những người có trí tưởng tượng phong phú nhất mới nghĩ có thể thực sự trở thành hiện thực.

Và nó đã xảy ra. Hàng chục người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Vụ tấn công gây ra sự gián đoạn trong nội bộ Hezbollah về cách thức liên lạc trên diện rộng.

Trong các cuộc chiến trước đó, việc một bên can thiệp vào chuỗi cung ứng của đối thủ đã từng xảy ra. Đã từng có những vụ việc phía tấn công nhét chất nổ vào đạn của đối thủ thay vì thuốc phóng. Khi đạn được khai hỏa, nó sẽ khiến vũ khí nổ tung, thay vì được phóng đi.

Tuy nhiên, trong vụ việc xảy ra ở Li Băng lần này, quy mô tấn công và cách thức đã có sự thay đổi rõ rệt.

Thứ nhất, trong vụ việc, phía tấn công đã lựa chọn những vật dụng dân sự, ít có khả năng bị nghi ngờ như đạn dược hay vũ khí. Thứ hai, phía tấn công đã dựng ra cả một mạng lưới sản xuất, cung ứng phức tạp với hàng loạt công ty con để khiến đối thủ không nghi ngờ. Thứ ba, không chỉ nhét thuốc nổ vào pin, để có thể khiến các máy nhắn tin đồng loạt phát nổ, phía tấn công dường như còn kết hợp cả việc tấn công mạng đối thủ để kích hoạt vụ tấn công, theo các chuyên gia an ninh.

Đây là một kế hoạch rất phức tạp và bài bản, dường như được chuẩn bị từ lâu để đảm bảo gây thiệt hại tối đa cho đối thủ.

Một thiết bị nổ tự chế có 5 bộ phận chính: Nguồn điện, bộ phận khởi động, thiết bị nổ, thuốc nổ và hộp đựng. Sean Moorhouse, cựu sĩ quan Quân đội Anh và chuyên gia xử lý bom, nói rằng trong vụ việc ngày 17/9, chỉ cần ngòi nổ và thuốc nổ để vũ khí hóa máy nhắn tin vốn đã có 3 thành phần còn lại.

Chuyên gia Moorhouse nói: "Nó phải được thực hiện theo cách khiến nó trở nên vô hình", ông Moorhouse nói và cho biết thêm rằng một cách để làm điều đó có thể là sửa đổi chính cục pin, cấy một ngòi nổ điện tử và một lượng thuốc nổ nhỏ vào bên trong vỏ kim loại của nó, khiến Hezbollah không thể phát hiện bằng hình ảnh, chẳng hạn như tia X.

Hezbollah đã hoàn toàn mất cảnh giác trong vụ việc dù họ đã theo sát lô hàng qua các sân bay và đưa về Li Băng để đảm bảo các thiết bị không bị can thiệp. Tuy nhiên, chúng đã bị cài thuốc nổ vào từ giai đoạn sản xuất. 

Điều này đã đặt ra một bài toán mới cho lực lượng quân đội trong thế kỷ 21: Làm thế nào để biết được rằng mạng lưới thông tin, liên lạc của mình đủ tin cậy, không bị can thiệp, đủ an toàn khi đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất của tác chiến hiện đại.

Mối đe dọa an ninh kiểu mới

Con ngựa thành Troy thời hiện đại gây choáng váng cho Hezbollah - 2

Trước khi vụ việc ở Li Băng xảy ra, câu chuyện hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ cùng lúc được xem là chưa từng có tiền lệ (Ảnh minh họa: Asia Times).

Audrey Kurth Cronin, giám đốc Viện Chiến lược & Công nghệ tại Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ, đã lập luận rằng một trong những thách thức an ninh lớn nhất mà nhiều quốc gia phải đối mặt là khả năng vũ khí hóa những đồ vật tưởng chừng vô hại với người dân của các nhóm và cá nhân có khả năng tiếp cận rộng rãi với công nghệ hiện đại.

Nói cách khác, theo ông, chúng ta đang sống trong thời đại mà việc nhiều tổ chức và cá nhân có khả năng sử dụng các công nghệ đột phá ngày càng dễ dàng. Ví dụ, trong một số vụ tấn công khủng bố trước đây, hung thủ có thể tự chế ra bom bằng vật dụng và kiến thức có sẵn trên mạng internet để đi tấn công người khác. 

Việc vũ khí hóa các vật dụng dân sự dẫn đến nguy cơ các cuộc tấn công có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, bất cứ đâu và nhằm vào bất cứ đồ vật công nghệ nào.

Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, một sản phẩm dân dụng có thể có nhiều bộ phận, linh kiện xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới. Thậm chí, trong thời đại ngày nay, nhiều linh kiện, bộ phận cũng được sản xuất theo hướng lưỡng dụng, tức là sử dụng được cả cho mục đích quân sự và dân sự. Nó sẽ đòi hỏi việc kiểm soát chuỗi cung ứng phải cẩn thận và chặt chẽ hơn.

Bruce Schneier, một chuyên gia công nghệ an ninh nổi tiếng, cho biết: "Ý tưởng cho rằng mọi thứ có thể bị can thiệp ngày càng xuất hiện nhiều. Hezbollah mua máy nhắn tin từ một công ty Hungary với giấy phép sản xuất từ nhà cung cấp ở Đài Loan. Chuỗi cung ứng quốc tế đang tạo ra những lỗ hổng".

Trong nhiều năm, Hezbollah tin rằng những thiết bị công nghệ thô sơ, có phần lỗi thời như máy nhắn tin là biện pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ bị đối thủ nghe lén, bị lộ vị trí chính xác. Tuy nhiên, theo Newsweek, vụ tấn công ở Li Băng cho thấy ngay cả công nghệ đơn giản nhất, có từ hàng chục năm giờ đây cũng không còn an toàn trong thời đại chiến tranh tiên tiến.

Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ tiên tiến, nhà phân tích quốc phòng Hamze Attar nhận định, chiến tranh trong tương lai sẽ có thể không tập trung quá nhiều vào chiến trường truyền thống, mà sẽ mở ra một chiến trường mới, tập trung vào các hoạt động làm tê liệt hệ thống điện tử và kỹ thuật số của đối thủ.

Ông Attar nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng dân sự trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.

Ông cảnh báo rằng một cuộc tấn công mạng phối hợp, tiên tiến nhằm vào hệ thống điều khiển ô tô hoặc máy bay có thể dẫn đến thương vong hàng loạt trong vòng vài giây, vì các hệ thống này ngày càng được số hóa.

Ông nói: "Nếu tin tặc tìm cách xâm nhập vào hệ thống điều khiển máy bay, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa toàn cầu. Đó là một suy nghĩ đáng sợ, nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi đã lo ngại kịch bản này từ lâu. Với sự phổ biến của các thiết bị di động và chip ở khắp mọi nơi, chúng ta có nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ bị tấn công hơn là chủ động phòng thủ".

Mối đe dọa không chỉ nằm ở chuỗi cung ứng về phần cứng mà còn là các phần mềm gián điệp, nghe lén, mã độc. Tất cả các mối đe dọa này đang ngày càng trở nên lớn hơn, tạo thành nguy cơ "con ngựa thành Troy" mới tiếp tục xuất hiện trong tương lai.

Trước mối đe dọa này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng các nước cần kiểm soát các hành vi "vũ khí hóa" vật dụng dân sự.

"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải kiểm soát hiệu quả các vật thể dân sự, không thể để dẫn tới tình trạng vũ khí hóa các vật thể dân sự. Đó phải là một quy tắc mà các chính phủ có thể thực hiện", ông Guterres kêu gọi các bên cùng hành động để ngăn chặn mối đe dọa có thể làm gián đoạn cuộc sống của người dân thường trên thế giới.

Theo Newsweek, Asia Times, New York Times