1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Có hay không nguy cơ Tổng thống Mỹ Trump bị luận tội?

Nhóm hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đang có kế hoạch điều tra nhằm vào đời sống và công việc của Tổng thống Donald Trump.

Ngày 12/11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter một cụm từ mới là “Quấy rối Tổng thống”. Theo ông, đây là cụm từ sẽ định hình 2 năm tới của ông trên chính trường Mỹ. Ông Trump còn dự báo “Viễn cảnh đảng Dân chủ quấy rối Tổng thống sẽ khiến thị trường chứng khoán cực kỳ đau đầu”. Đài CNN gọi đây là một nỗ lực sớm của ông chủ Nhà Trắng nhằm đánh vào chiến thuật của đảng Dân chủ khi họ chính thức kiểm soát Hạ viện vào đầu năm 2019.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Ảnh: Reuters.

Khi đảng Dân chủ nắm Hạ viện

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã diễn ra vào ngày 6/11 với kết quả đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Cuộc bầu cử này khá quan trọng, vì nó sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng tại lưỡng viện Quốc hội, chi phối chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền Donald Trump trong 2 năm tới.

Lần đầu tiên sau 8 năm, đảng Dân chủ giành đủ số ghế để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Được biết, nhóm hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đang có kế hoạch điều tra nhằm vào đời sống và công việc của Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, những nhà lập pháp hàng đầu thuộc đảng Dân chủ đã từng cam kết sẽ yêu cầu Tổng thống Trump cung cấp bản khai báo thuế, cũng như mở các cuộc điều tra khác đối với chính quyền, nếu phe Dân chủ chiếm được đa số ở Hạ viện.

Theo đó, có ít nhất 85 mục tiêu liên quan tới ông D. Trump, từ việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, hồ sơ hoàn thuế trong quá khứ của ông Trump cho tới các phát hiện trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016… là điều có thể cản trở chương trình nghị sự về lập pháp của ông Trump.

Đảng Cộng hòa ra đòn phản công

Sau khi kết thúc bầu vào tuần trước, ông Trump đã tuyên bố sẵn sàng phản công. Mục tiêu trước tiên của ông là sắp xếp lại “chiến trường” trước cuộc tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020, sau khi đảng Dân chủ đạt được những bước tiến đáng kể ở các bang miền Trung và Tây nước Mỹ.

Theo tính toán của đài BBC, nếu các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania ở phía Đông chuyển từ Cộng hòa sang Dân chủ vào năm 2020, thì đảng Dân chủ sẽ tái chiếm Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trước nguy cơ bị luận tội, Tổng thống Trump đã biết rõ, ông cũng phải hành động để củng cố sự ủng hộ tại Quốc hội, đặc biệt là Thượng viện. Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với ông là ở bất cứ điểm yếu nào về chính trị có thể làm xói mòn sự ủng hộ đối với ông từ Thượng viện.

Đối mặt với cuộc điều tra từ Hạ viện, giờ thuộc quyền kiểm soát của phe Dân chủ, Tổng thống Trump cảnh báo nếu các hạ nghị sỹ Dân chủ quyết định điều tra Nhà Trắng, ông sẽ đáp trả bằng các cuộc điều tra khác đối với phe Dân chủ ở Thượng viện.

Ông nói: “Nếu phe Dân chủ nghĩ họ sẽ lãng phí tiền thuế vào việc điều tra chúng tôi ở cấp Hạ viện, chúng tôi cũng sẽ buộc phải cân nhắc điều tra họ vì tất cả những vụ rò rỉ thông tin mật và nhiều thứ khác nữa ở Thượng viện. Đó là trò chơi mà hai người cùng chơi!”.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, ông Trump đã có một cử chỉ mang tính hòa giải với đảng Dân chủ, ông đề xuất cả hai bên cùng hợp tác với nhau cho những ưu tiên lập pháp chung. Ông đề nghị họ có thể hợp tác về các vấn đề như cơ sở hạ tầng, thương mại và y tế…

Và bình luận của báo giới

Theo giới quan sát, ông Donald Trump đã sẵn sàng làm việc với đảng Dân chủ sau khi họ giành được quyền kiểm soát Hạ viện. Nhưng trong một cuộc họp báo gần đây ông thề sẽ ở trong “tư thế phản công” nếu đảng Dân chủ điều tra ông.

Được biết, trước đây ông Trump cũng đã từng tuyên bố sẽ điều tra đảng Dân chủ và công khai chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì đã không điều tra cái mà ông gọi là “hành động làm bậy” của đảng này. Tuy nhiên, ông nói rằng, nếu đảng Dân chủ bắt đầu các thủ tục pháp lý để điều tra ông, đảng Cộng hòa cũng sẽ “ăn miếng trả miếng”.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện với 50 vị trí. Các ghế bổ sung thuộc về phe Cộng hòa tại Thượng viện sẽ tạo điều kiện để những ứng viên của ông Trump trong nội các và hệ thống tư pháp được thông qua.

Bà Pelosi, người được ưu tiên trong vai trò lãnh đạo Hạ viện, hứa rằng đảng của bà sẽ là đảng đối trọng với Nhà Trắng. Tại cuộc họp báo, bà nói đảng Dân chủ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Tổng thống, nhưng “phải giữ vững vai trò”.

Theo giới quan sát, cả ông Trump và các lãnh đạo Dân chủ đều đang có những toan tính để định hình môi trường chính trị sắp tới, đồng thời đặt nền móng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2020 - 2024.

Giới phân tích cho rằng, các cựu Tổng thống từng thất bại sau cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây, thường tỏ ra khiêm nhường và nói rằng, họ đã học được những bài học quý giá. Hai ông Bill Clinton và Barack Obama đã từng rất thành công khi đã dùng chính sự thất bại của mình để điều chỉnh quan điểm và hành vi cho các chiến dịch tái cử sau đó.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Donald Trump hoàn toàn không suy nghĩ như vậy. Ông nói rằng, ông muốn “đoàn kết, hòa bình và tình yêu”, nhưng rõ ràng là nếu muốn đạt những điều này, mọi người phải theo những điều kiện mà ông đưa ra.

Như vậy, nguy cơ luận tội Tổng thống là có thật, các bên đều có sự chuẩn bị cho “cuộc chiến” này. Tuy nhiên, theo giới phân tích quy mô và tính chất quyết liệt thì vẫn phụ thuộc vào sự diễn tiến của tương quan lực lượng trên chính trường trong thời gian tới, bởi vì cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa vẫn có chung một lợi ích là “Nước Mỹ trên hết”.

Theo CTV Nguyễn Nhâm

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm