1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách Châu Á của ông Trump xoay vần ra sao sau bầu cử giữa kỳ Mỹ?

Các nước châu Á hiện giờ lo ngại những tác động từ kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ ngày 6/11 đánh dấu sự trở lại của đảng Dân chủ tại Hạ viện và giúp Đảng này có nhiều quyền lực hơn trong kiềm chế các quyết sách của Tổng thống Donald Trump. Cũng giống như phần còn lại của thế giới, các nước châu Á hiện giờ đang lo ngại không biết kết quả này sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ ra sao.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sky News.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sky News.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Tổng thống Trump đã làm “khuấy động” khu vực châu Á với việc khai hỏa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đài Loan, chỉ trích mạnh mẽ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ gặp lãnh đạo Triều Tiên.

Theo giới phân tích, dù kết quả bầu cử nêu trên làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng đối đầu gay gắt hơn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều tới định hướng chính sách mà Tổng thống Trump theo đuổi tại Châu Á. Bởi thực tế là hai phe dẫu bất đồng chính kiến trong nhiều vấn đề như nhập cư, chăm sóc sức khỏe, hay kinh tế, tài chính, họ vẫn phần nào có được tiếng nói chung về Châu Á.

Trung Quốc

Trung Quốc là một trong số ít các vấn đề nhận được sự nhất trí của cả hai đảng. Có quan điểm tại Trung Quốc cho rằng, một Hạ viện dưới quyền kiểm soát của phe Dân chủ có nghĩa là chính phủ Mỹ phải thay đổi lập trường theo hướng "mềm" hơn với Bắc Kinh. Nhưng nhà phân tích Nick Marro của tổ chức Thông tin Kinh tế (EIU) nhận định, quan điểm này là sai lầm bởi trong lịch sử phe Dân chủ luôn có xu hướng ủng hộ các tổ chức công đoàn có vai trò bảo vệ người lao động, trong khi không ủng hộ thương mại tự do nhiều như phe Cộng hòa. “Không có khả năng họ sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại lớn mạnh hơn đối với Trung Quốc”.

Trước đó, các thành viên Đảng Dân chủ đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng, Mỹ nên hành động cứng rắn hơn đối với một cường quốc mới nổi như Trung Quốc, trên các mặt trận như thương mại, quân sự, tình báo và ngoại giao. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đảng này theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc.

Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện và Tổng thống Donald Trump từng có nhiều bất đồng, nhưng cả hai bên cũng ủng hộ lập trường cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc. Xét trong bối cảnh đó, Hạ viện sẽ không phải là nơi chủ chốt phản đối các chính sách thương mại của ông Trump, mà ngược lại có thể hỗ trợ những chính sách này. Do vậy, trong nửa thứ hai của nhiệm kỳ, ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm kiếm được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có lợi hơn cho nước Mỹ, như những gì ông đã nêu trong cuộc họp báo ngày 7/11.

Ngoài vấn đề thương mại, các vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc mà nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai Đảng, được sự phê chuẩn của Quốc hội là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và chấp thuận giải pháp quân sự trước hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Các hoạt động hàng hải của Mỹ trong khu vực này thời gian gần đây, cũng như những tuyên bố về chiến lược quốc phòng của nước này tại nhiều diễn đàn khác nhau đã cho thấy rằng, chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngay cả khi các chính phủ Châu Á còn ngần ngại ủng hộ Mỹ một cách công khai. Việc phe Dân chủ ủng hộ dự luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2019 cũng cho thấy quan điểm của đảng này không khác nhiều so với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề đối ngoại.

Triều Tiên

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ lần này sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới chính sách về Triều Tiên của chính quyền ông Trump. Trước hết, chính sách đối ngoại của Mỹ được định hình bởi Tổng thống và các cơ quan hành pháp như Ủy ban đối ngoại thượng viện và Ủy ban Quân vụ thượng viện. Vì Thượng viện thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa nên ảnh hưởng của Hạ viện với chính sách đối ngoại sẽ bị giới hạn.

Thứ hai, như Tổng thống Trump từng tái khẳng định trong cuộc họp báo hậu bầu cử, việc hạ nhiệt căng thẳng quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên, đặc biệt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, đã mang lại những kết quả tích cực, được thể hiện qua việc Triều Tiên chấp nhận dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, thả các con tin người Mỹ và trao trả cho Mỹ hài cốt quân nhân bị thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, trong phần còn lại của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tiến hành đối thoại cấp cao với Triều Tiên và nỗ lực thúc đẩy tiến bộ trong quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019. Tất nhiên, các cuộc đàm phán này cũng cần phải xét đến yêu cầu của phía Triều Tiên về việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và viện trợ nhân đạo. Nếu cả hai bên đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá, ông Trump sau đó có thể coi đây là thành tựu lớn, làm đòn bẩy cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đảng Dân chủ có thể gây khó dễ cho các cuộc đối thoại Mỹ-Triều bởi đảng này từng chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Trump với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hoài nghi về phương thức đàm phán của ông cũng như cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất là đảng Dân chủ sẽ làm chậm lại tiến trình đàm phán bằng cách yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp tài liệu liên quan, hay tổ chức thường xuyên các phiên điều trần tại Hạ viện về vấn đề này. Dẫu vậy, họ sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng để tránh làm đổ vỡ nỗ lực ngoại giao của ông Trump nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 7/11 Nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engel tại Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định ông không phản đối việc đối thoại với Triều Tiên: “Sẽ rất tốt để có một vài cuộc đối thoại với Triều Tiên. Nhưng chúng ta không nên dễ bị lừa khi cho rằng họ (Triều Tiên) sẽ có nhiều thay đổi lớn”.

Theo một số nhà quan sát, nếu Nhà Trắng thúc đẩy một thỏa thuận với Triều Tiên, Hạ viện nhiều khả năng sẽ thông qua. Bởi việc gây leo thang căng thẳng với Triều Tiên sẽ không có lợi cho đảng Dân chủ vốn dành nhiều ưu tiên cho chính sách đối nội, khi khởi động chiến dịch tranh cử năm 2020.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ không đánh giá ảnh hưởng của kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ qua các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Một trong những vấn đề khiến Hàn Quốc lo ngại hơn cả là số phận của Hiệp định thương mại tự do song phương sửa đổi do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump ký kết ngày 24/9 vừa qua. Đảng Dân chủ từng bỏ phiếu phản đối thỏa thuận này vào năm 2011. Khi Dân chủ nắm quyền kiểm soát hai viện thì chắc chắc các điều khoản đã được sửa đổi trong thỏa thuận sẽ được đưa ra xem xét lại, như một phần của phiên điều trần về chính sách thương mại của ông Trump.

Còn đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nỗ lực xây dựng quan hệ cá nhân với Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thực sự hiệu quả để giảm sức ép của Mỹ buộc Nhật Bản phải nhượng bộ về mặt thương mại. Các cuộc đàm phán giữa hai bên có thể mang đến một thỏa thuận đòi hỏi sự phê chuẩn từ các nghị sỹ đảng Dân chủ - những người chưa thực sự có quan đểm rõ ràng về vấn đề này.

Hợp tác với một chính phủ Mỹ đang bị chia rẽ là thách thức mới nhất trong loạt thách thức về chính sách đối ngoại mà Thủ tướng Abe đang phải đối mặt. Cùng với đó, nguy cơ Mỹ cắt giảm lực lượng tại Hàn Quốc cũng như làn sóng phản đối quyết định sửa đổi hiến pháp của chính phủ Nhật Bản đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh nước này.

Vì lý do đó, Thủ tướng Abe buộc phải tìm kiếm đối tác khác để giúp nước này đảm bảo an ninh và thương mại. Thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tháng 10/2018, cam kết đẩy mạnh hợp tác song phương về kinh tế lẫn quân sự. Ông Abe cũng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/10 nhằm phá băng trong quan hệ song phương. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hướng đến mục tiêu cải thiện quan hệ với Nhật Bản trong lúc leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ. Còn Tokyo cũng gặp ít nhiều vấn đề với chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump.

Theo Hồng Anh

VOV