Sóng gió với chính quyền Tổng thống Trump sau bầu cử giữa kỳ
(Dân trí) - Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đầu tháng 11 với việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện được cho là sẽ kéo theo những thách thức và những chuyển biến mới với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.
Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ gần đây với việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện được cho là sẽ gây ra tác động lớn đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Kết quả bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, vốn được ví như một cuộc trưng cầu dân ý đối với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong quốc hội Mỹ với việc đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump không còn kiểm soát lưỡng viện. Việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên sau 8 năm được dự đoán sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho Tổng thống Trump và chương trình nghị sự của ông trong 2 năm cuối nhiệm kỳ. Mặt khác, cuộc bầu cử cũng cho thấy những chia rẽ ngày càng sâu sắc trong lòng nước Mỹ bởi hàng loạt vấn đề như sắc tộc, làn sóng nhập cư.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến đảng phái khốc liệt hơn trong nửa còn lại của nhiệm kỳ trong bối cảnh đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và những chỉa rẽ trong lòng nước Mỹ ngày càng sâu sắc. (Ảnh: Reuters, Getty)
New Yorks Times bình luận, trong bối cảnh như vậy, chính quyền của Tổng thống Trump hoặc sẽ phải lựa chọn để hàn gắn chia rẽ trong lòng nước Mỹ hoặc hàn gắn lưỡng đảng để tránh một cuộc chiến đảng phái.
Với việc giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ có thể chặn các chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump. Theo đó, đảng Dân chủ có thể kìm hãm đảng Cộng hòa trong các vấn đề về kinh tế, thương mại, y tế. Đảng Dân chủ cũng có thể thách thức các chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump như chính sách về mối quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc, Nga...
Ông Trump sẽ không còn sự ủng hộ đa số của đảng Cộng hòa như trước kia nếu đảng Dân chủ quyết theo đuổi các cuộc điều tra chống lại ông, trong đó có các điều tra liên quan đến hồ sơ thuế cá nhân, nghi vấn mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông với Nga. Tồi tệ hơn, ông có thể đối mặt với nguy cơ bị luận tội tùy thuộc vào kết quả cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller.
"Chính quyền sẽ bị Hạ viện của đảng Dân chủ kiểm soát chặt và bị đề nghị giải trình. Sẽ có thêm nhiều cuộc điều tra, nhiều trát gọi hầu tòa. Thời kỳ trăng mật (của chính quyền Tổng thống Trump) đã qua. Cử tri Mỹ đã bỏ phiếu để đánh giá tổng thống", cựu Hạ nghị sĩ Tom Davis, một thành viên đảng Cộng hòa ở Virginia, nhận định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một cuộc chiến đảng phái cũng không quá tệ với ông Trump hay chính xác hơn với chiến dịch tái tranh cử của ông năm 2020.
"Với việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, ông Trump có thể có điều mà ông cần cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Tuy nhiên, không tổng thống nào muốn đảng khác nắm quyền ra trát gọi hầu tòa bất cứ lúc nào", cựu Hạ nghị sĩ New York Steve Israel dự đoán.
Chung quan điểm trên, ông Marc Short, một cựu giám đốc pháp lý của Tổng thống Trump, bình luận: "Không có gì có thể giúp Tổng thống Trump có triển vọng tái đắc cử tốt hơn là khi (lãnh đạo đảng Dân chủ) bà Nancy Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện".
Hai ông Bill Clinton và Barack Obama từng rất thành công khi đã dùng chính sự thất bại của mình ở bầu cử giữa kỳ để điều chỉnh quan điểm và hành vi cho các chiến dịch tái cử sau đó.
Ngoài ra, với phong cách linh hoạt và khó đoán của ông Trump, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tìm cách thỏa hiệp với đảng Dân chủ.
"Đảng Dân chủ giành kiểm soát Hạ viện sẽ mang lại cơ hội quý giá cho Tổng thống Trump với việc ông có thể tìm ra các giải pháp lưỡng đảng cho những vấn đề như giá thuốc, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các thành viên trong chính quyền của ông sẽ phải dành nhiều giờ để đối phó với các cuộc điều tra, bao gồm trả lời các câu hỏi theo trát của tòa án", Sara Fagen, cựu giám đốc chính trị Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George Bush, nói.
Nguy cơ Tổng thống bị luận tội?Đảng Dân chủ sau khi kiểm soát Hạ viện hoàn toàn có thể đề xuất luận tội Tổng thống Trump. (Ảnh: Reuters)
Đảng Dân chủ ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi đầu tháng đã tuyên bố rõ ý định theo đuổi các cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Trump và chính quyền của ông. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng đảng Dân chủ có thể sẽ tìm cách luận tội Tổng thống Trump với hàng loạt cáo buộc trong đó có cáo buộc cản trở pháp lý.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump có lẽ không cần quá lo ngại kịch bản này bởi lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi - người có thể trở thành Chủ tịch Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ - từng tuyên bố việc luận tội tổng thống không phải là ưu tiên của đảng Dân chủ.
Trong chiến dịch vận động trước thềm bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ cũng tìm cách tránh nhắc đến khả năng luận tội Tổng thống Trump bởi lo ngại tác dụng ngược. Nỗ lực luận tội Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton năm 1998 được xem là phản tác dụng cho đảng Cộng hòa, dẫn đến việc đảng Dân chủ giành được thành công bất ngờ trong bầu cử giữa kỳ mặc dù trước đó đảng Cộng hòa được dự báo chiếm ưu thế.
Doug Deason, một người ủng hộ ông Trump tại bang Texas, cho biết cử tri đơn giản là không quan tâm đến việc Tổng thống có bị luận tội hay không. "Bất cứ điều gì không liên quan đến cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga đều là ồn ào không mấy quan trọng", Jerry Falwell Jnr, chủ tịch Đại học Liberty, nhận định.
Đó là chưa kể đến việc quy trình luận tội tổng thống không hề đơn giản và có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Theo hiến pháp Mỹ, Hạ viện có toàn quyền phát động luận tội một quan chức chính phủ cấp cao, thậm chí tổng thống. Tuy nhiên, vấn đề luận tội sau đó phải gửi tới Thượng viện, cơ quan duy nhất có thẩm quyền tiến hành xét xử các vụ luận tội quan chức chính phủ. Để luận tội và phế truất tổng thống, cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ.
Tổng thống Trump: “Nếu tôi bị luận tội, thị trường sẽ sụp đổ”
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần cảnh báo đảng Dân chủ về ý định tìm cách luận tội ông. Hồi tháng 8, ông cảnh báo, "thị trường sẽ sụp đổ" và "người Mỹ sẽ nghèo đi" nếu ông bị buộc rời Nhà Trắng.
Gần đây nhất, ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ, ông cho biết, nếu các hạ nghị sĩ Dân chủ quyết định điều tra Nhà Trắng, ông sẽ đáp trả bằng các cuộc điều tra khác đối với phe Dân chủ ở Thượng viện.
"Nếu phe Dân chủ nghĩ họ sẽ lãng phí tiền thuế vào việc điều tra chúng tôi ở cấp Hạ viện, chúng tôi cũng sẽ buộc phải cân nhắc điều tra họ vì tất cả những vụ rò rỉ thông tin mật và nhiều thứ khác nữa ở Thượng viện. Đó là trò chơi mà hai người cùng chơi!", Tổng thống Trump viết trên Twitter. Ông Trump còn dự báo "Viễn cảnh đảng Dân chủ quấy rối Tổng thống sẽ khiến thị trường chứng khoán cực kỳ đau đầu".
Một cuộc "thay máu" nội các?Tổng thống Trump có thể thay hàng loạt nhân sự nội các sau bầu cử giữa kỳ. (Ảnh: Atlantic)
Biến động nhân sự không phải là vấn đề chỉ mới xuất hiện sau bầu cử giữa kỳ, mà là vấn đề thường thấy trong chính quyền của Tổng thống Trump ngay từ khi ông nhận nhiệm sở.
Một khảo sát mới đây của Viện Brookings cho thấy, các nhân sự trong nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần lượt ra đi trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông với mức độ biến động chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Tuy nhiên, những biến đổi của môi trường chính trị sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua có thể sẽ khiến ông Trump mạnh tay "thay máu" nhân sự trong chính quyền hơn để đối phó những thách thức trong 2 năm cuối nhiệm kỳ cũng như để chuẩn bị cho những kế hoạch chính trị trong tương lai.
"Các chính quyền luôn thay đổi sau các cuộc bầu cử giữa kỳ. Có thể chúng ta cũng sẽ đi theo con đường đó. Tôi nghĩ đó là thông lệ bình thường", Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11.
Hãng tin Politico dẫn một số nguồn thạo tin nói rằng, sau bầu cử giữa kỳ, ông Trump có thể thay khoảng 6 quan chức cấp cao trong chính quyền gồm Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Thực tế, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã trở thành quan chức đầu tiên trong nội các của ông Trump ra đi sau ngày bầu cử giữa kỳ. Ông Trump được cho là sẽ tiếp tục "thay máu" nội các trong thời gian tới nhưng sẽ không quá gấp gáp.
Một nguồn tin thân cận Nhà Trắng từ đảng Cộng hòa cho biết, sở dĩ Tổng thống Trump "thay máu" nhân sự chính quyền là bởi "ông muốn tìm kiếm những người tốt nhất, ông muốn một đội ngũ trợ lý hạng A mạnh nhất để chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử 2020".
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, biến động nhân sự trong chính quyền của ông Trump sau bầu cử giữa kỳ có thể là một tín hiệu cho những điều chỉnh nhất định về chính sách.