Chuyên gia: Trung Quốc có thể tháo ngòi căng thẳng ở "chảo lửa" Trung Đông
(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể tác động lên Iran và giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông sau cuộc không kích vào Israel gần đây.
Trung Quốc đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa trong một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel. Cuộc tấn công đã làm dấy lên nguy cơ xảy ra xung đột quy mô lớn ở khu vực mà Bắc Kinh đã cam kết đóng vai trò kiến tạo hòa bình và thúc đẩy tầm nhìn an ninh.
"Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế để ngăn chặn leo thang hơn nữa", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 14/4.
Trung Quốc coi những căng thẳng mới nhất giữa Israel và Iran là "sự lan tỏa từ cuộc xung đột ở Gaza", cuộc xung đột mà Bắc Kinh cho rằng nên kết thúc càng sớm càng tốt.
"Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có ảnh hưởng, đóng vai trò mang tính xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Cuộc không kích của Iran, mà Tehran tuyên bố để trả đũa vụ đánh bom tòa nhà ngoại giao Iran ở Damascus, Syria hôm 1/4, đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp từ lãnh thổ của mình vào Israel.
Quyết định tấn công trực tiếp của Iran vào Israel đã đẩy cuộc chiến trong bóng tối giữa hai đối thủ trong khu vực trở nên công khai. Các đồng minh phương Tây đang kêu gọi Israel giảm leo thang do lo ngại một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, một kịch bản mà Washington đang tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của Bắc Kinh để ngăn chặn.
Sau cuộc tấn công vào Damacus mà Iran đổ lỗi do Israel tiến hành khiến 7 người, trong đó có hai chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, thiệt mạng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và những người đồng cấp khác ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út để "làm rõ rằng leo thang không có lợi cho bất kỳ ai và các nước nên thúc giục Iran không leo thang".
Đó không phải lần đầu tiên Mỹ đề nghị Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Iran kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
Sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ vào cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ đã nhiều lần cố gắng thúc giục Bắc Kinh gây áp lực lên Iran - nước được cho là đã đào tạo, tài trợ và trang bị cho lực lượng Houthi - để kiềm chế các cuộc tấn công.
Cuộc tấn công mới nhất của Iran vào Israel một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy như thế nào đối với Iran và liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng tầm ảnh hưởng của mình hay không.
"Về lý thuyết, Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy tiềm năng đối với Iran", William Figueroa, giáo sư trợ lý tại Đại học Groningen ở Hà Lan, nhận định.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran trong thập niên qua và mua 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran, mang lại nguồn thu huyết mạch cho Tehran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các công ty Trung Quốc cũng cung cấp cho Iran thiết bị an ninh và giám sát.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc khó có thể sử dụng những đòn bẩy này để tác động đến hành vi của Iran, theo giáo sư Figueroa.
"Vũ khí hóa các mối quan hệ thương mại này, đặc biệt là theo cách gây chú ý như vậy, sẽ làm suy yếu chiến lược khu vực lớn hơn của họ trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ trên khắp Nam bán cầu", chuyên gia nhận định thêm.
Trung Quốc đã mở rộng đáng kể dấu ấn kinh tế và chính trị ở Trung Đông. Trong những năm gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ "đóng góp trí tuệ của Trung Quốc để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Trung Đông" như một phần của Sáng kiến An ninh Toàn cầu nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự an ninh do phương Tây dẫn đầu.
Các nhà phân tích cho biết, năm ngoái, Bắc Kinh đã làm trung gian kết nối cho một mối quan hệ lịch sử giữa Ả Rập Xê Út và Iran, hai đối thủ lâu năm trong khu vực, nhưng việc kiềm chế Iran trong cuộc xung đột đang diễn ra có thể là một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Trung Quốc.
"Mặc dù hài lòng vì được đóng vai trò trong các cuộc đàm phán nhưng thực tế là họ thiếu khả năng tạo sức ép thực sự trong khu vực và vẫn chủ yếu quan tâm đến các sáng kiến thương mại và ngoại giao. Họ nhận thức được điều này và không mong muốn mở rộng quá mức bản thân như cách họ tin rằng Mỹ đã làm", chuyên gia Figueroa cho biết.
Trong khi Trung Quốc thực sự lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột rộng hơn gây ra cho hoạt động đầu tư và thương mại của nước này trong khu vực, đặc biệt là các hợp đồng năng lượng, Bắc Kinh tin rằng nguyên nhân sâu xa nằm ở cuộc xung đột ở Gaza.
"Do đó, họ thấy giải pháp thực sự không phải là Trung Quốc kiềm chế Iran, mà là ở việc Mỹ kiềm chế Israel và đưa xung đột đến một giải pháp thương lượng bao gồm giải pháp hai nhà nước", chuyên gia Figueroa cho biết thêm.
Trung Quốc đã không lên án Iran về cuộc tấn công vào cuối tuần qua, trái ngược với Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, tương tự phản ứng của Bắc Kinh sau khi Tehran cáo buộc Israel tiến hành cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria hồi đầu tháng.
Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ sau cuộc không kích ở Damascus. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói trong cuộc họp báo thường kỳ một ngày sau vụ tấn công rằng: "An ninh của các cơ quan ngoại giao không được xâm phạm, chủ quyền và độc lập của Syria phải được tôn trọng. Trong bối cảnh hỗn loạn đang diễn ra ở Trung Đông, chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng".
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển thông điệp đó tới Washington vào tuần trước, khi ông Vương Nghị nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với ông Blinken rằng "Trung Quốc cực lực lên án vụ tấn công vào đại sứ quán Iran ở Syria".
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc không muốn lên án Iran về các cuộc tấn công trả đũa vì nước này coi Tehran là nạn nhân.
"Do đó, khó có khả năng Trung Quốc gây áp lực lên Iran. Đối với Trung Quốc, nếu Mỹ gây áp lực đủ lớn lên Israel thì cả cuộc tấn công của Israel lẫn sự trả đũa của Iran đều sẽ không xảy ra. Việc gây áp lực lên Iran, quốc gia được coi là nạn nhân ngay từ đầu, là phi logic", chuyên gia Sun nhận định.