Kịch bản nào xảy ra nếu xung đột Israel - Iran leo thang?
(Dân trí) - Iran tấn công đáp trả Israel với quy mô lớn chưa từng có vào đêm ngày 13/4, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Hồi giáo này tiến hành hành động quân sự trực tiếp nhằm vào quốc gia Do Thái.
Mỹ và các đồng minh châu Âu lo ngại rằng, cuộc tấn công của Iran lần này có thể đẩy hai kẻ thù không đội trời chung này đi đến bờ vực của thực tế mà họ đã tránh trong nhiều thập niên: Chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông.
Nếu kịch bản đó xảy ra, một cuộc xung đột quy mô rộng hơn sẽ diễn ra thế nào?
Iran đã phóng hơn 300 UAV và tên lửa vào Israel vào đêm ngày 13/4, rạng sáng 14/4. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong cuộc tấn công chưa từng có của Iran.
Lực lượng phòng không Israel, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, Jordan và Anh, đã chặn nhiều máy bay không người lái và một số tên lửa hành trình trên bầu trời Syria, Iraq và Jordan trước khi chúng bay tới Israel.
Các máy bay không người lái và tên lửa khác đã bị hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) bắn hạ trên lãnh thổ Israel. Hệ thống này thắp sáng bầu trời đêm với nhiều tiếng nổ, trong khi còi báo động không kích vang lên ở Tel Aviv, Jerusalem và các thành phố khác.
Vậy là theo dự đoán, kịch bản đầu tiên đã xảy ra: Iran tấn công tên lửa và UAV quy mô vào lãnh thổ Israel. Trong khi đó, kịch bản thứ hai được đánh giá là xa vời hơn và nguy hiểm hơn: đó là Iran có thể chỉ đạo các lực lượng ủy nhiệm triển khai quân trên bộ từ Syria hoặc Li Băng.
Iran từng tấn công lãnh thổ Israel vào năm 2018, khi Teheran bắn tên lửa từ Syria vào các vị trí ở Cao nguyên Golan.
Và chi tiết khả năng xảy ra vụ tấn công lần này của Iran đã có trong đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ được công bố vào ngày 11/4, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran vào Israel sẽ là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái.
Cơ quan trên cho biết, Iran có "kho dự trữ đáng kể" tên lửa đạn đạo và hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 2.000km, đưa Israel vào tầm bắn.
Cũng theo báo cáo này, các máy bay chiến đấu của Israel dự kiến sẽ tấn công đáp trả Iran, bao gồm cả những chiếc trong phi đội máy bay chiến đấu F-35I Adir tàng hình và máy bay chiến đấu F-15I không tàng hình của họ. Israel đã triển khai tín hiệu định vị trên khu vực đô thị thủ đô Tel Aviv vào đầu tháng này để chuẩn bị cho khả năng tấn công của Iran, một màn phô diễn năng lực đánh chặn của nước này.
Một khả năng khác có thể xảy ra là chiến tranh mạng. Hơn 1 thập niên trước, phần mềm độc hại có tên Stuxnet đã xâm phạm hoạt động tại một cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran khiến hệ thống ở đây bị tê liệt hoàn toàn. Mỹ và Israel bị cáo buộc đứng sau vụ việc này.
Đáp lại, Iran cũng đã tiến hành các cuộc tấn công của riêng họ, bao gồm cả vụ tin tặc tấn công làm tê liệt các hệ thống máy tính của Israel.
Đồng minh của Iran và Israel
Các đồng minh quan trọng nhất của Iran là lực lượng Shiite ở Li Băng, Iraq, Syria và Yemen.
Lực lượng Hezbollah ở Li Băng được bố trí để đóng vai trò quan trọng nhất. Hezbollah đã nhiều lần xung đột với Israel và thường xuyên bắn tên lửa, súng cối và rocket vào miền bắc Israel kể từ khi chiến sự Gaza nổ ra hồi tháng 10/2023.
Theo tình báo Israel, kho vũ khí của Hezbollah chứa hơn 70.000 tên lửa có điều khiển và không có điều khiển, bao gồm cả tên lửa tầm xa và dẫn đường chính xác. Việc Hezbollah đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Israel có thể thử thách khả năng phòng thủ của Tel Aviv, vào thời điểm mà nước này một lúc đang phải đối đầu với cả Iran và Hamas.
Quốc gia thân cận nhất của Iran ở Trung Đông là Syria. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad khó có thể hỗ trợ Iran vì chính Syria cũng vẫn đang nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước sau khi nội chiến bùng nổ vào năm 2011.
Iran có quan hệ tốt với Nga và Trung Quốc, mặc dù cuộc chiến kéo dài tại Ukraine có thể sẽ hạn chế khả năng giúp đỡ của Moscow đối với Tehran.
Trong khi đó, Israel có Mỹ là đồng minh thân cận nhất. Washington hiện đang xúc tiến vận chuyển đạn dược tới Israel để giúp nước này chống lại Hamas ở Gaza. Theo một quan chức hải quân, trong số lực lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông có 2 tàu khu trục hải quân đã di chuyển tới phía đông Địa Trung Hải hồi đầu tháng 4: đó là USS Carney và USS Arleigh Burke, và cả hai đều có khả năng phòng không.
Khi mới bắt đầu bùng nổ chiến sự Israel - Hamas, Lầu Năm Góc đã điều tàu sân bay mới nhất Gerald R. Ford và nhóm tác chiến tới phía đông Địa Trung Hải nhưng hiện đã trở về. Ngoài ra, 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao về khả năng huy động.
Các quốc gia Ả Rập có thể phản ứng thế nào?
Một cuộc chiến tranh Israel - Iran sẽ đặt nhiều quốc gia trong khu vực vào tình thế khó khăn với nguy cơ khiến thùng thuốc súng bùng nổ khắp Trung Đông.
Bốn quốc gia Ả Rập gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan đã ký kết các thỏa thuận hòa bình với Israel vào năm 2020 thông qua Hiệp định Abraham. Mối ngờ vực đối với Iran là một phần nguyên nhân đã gắn kết họ lại với nhau. Nhưng khó có quốc gia Ả Rập nào đứng về phía Israel trong cuộc đối đầu với một quốc gia Hồi giáo đồng hương, chứ chưa nói đến một quốc gia hùng mạnh như Iran.
Hồi năm 2023, Iran và Ả Rập Xê Út đã khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm đóng băng. Ả Rập Xê Út đang có khả năng sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn, trong đó hy vọng đạt được sự đảm bảo an ninh của Mỹ và có thể sẽ cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột Iran - Israel.