Chuyên gia: Triều Tiên không đủ năng lực bắn hạ máy bay Mỹ
(Dân trí) - Các nhà phân tích quân sự cho rằng Triều Tiên không có khả năng và cũng không có ý định tấn công các máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu của Mỹ dù Bình Nhưỡng từng tuyên bố nước này có quyền làm như vậy.
Phát biểu trước các phóng viên sau khi rời một cuộc họp tại Liên Hợp Quốc ngày 25/9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nói rằng Bình Nhưỡng có “đủ quyền” để đáp trả các động thái gây căng thẳng của Mỹ, bao gồm việc bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược của Washington ngay cả khi những máy bay này hoạt động ngoài không phận Triều Tiên.
Sau tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Ri Yong Ho, truyền thông nhà nước Triều Tiên tiếp tục công bố một đoạn video mô phỏng, trong đó chiếu hình ảnh máy bay ném bom Mỹ bị trúng hỏa lực của tên lửa Triều Tiên.
Theo học giả Du Hyeogn Cha thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, những tuyên bố trên của Triều Tiên cho thấy có thể nước này đang tìm cách “đánh lạc hướng”, khiến dư luận mải tập trung vào những lời lẽ đó mà quên đi rằng Bình Nhưỡng vẫn đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Du cũng chỉ ra một khả năng nữa, đó là Triều Tiên có thể đang tìm cách “giữ thể diện” trong bối cảnh nước này vẫn đang suy tính về việc liệu có nên xuống thang căng thẳng với Mỹ hay không.
Ông Moon Seong Mook, cựu quan chức quân sự Hàn Quốc và hiện là nhà phân tích cấp cao của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc, nhận định Triều Tiên nhiều khả năng không đủ thực lực để bắn hạ máy bay Mỹ như tuyên bố của Ngoại trưởng Ri.
Không đủ thực lực
Theo ông Moon, các máy bay chiến đấu MiG lỗi thời của Triều Tiên không thể “đấu chọi” với các máy bay chiến đấu mạnh hơn nhiều của Mỹ. Washington vẫn sử dụng các máy bay chiến đấu này để hộ tống các máy bay ném bom.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng từng tiết lộ hồi tháng 5 rằng nước này sẵn sàng triển khai các tên lửa đất đối không mới trên thực địa. Các nhà phân tích cho biết tên lửa Triều Tiên có thể bắn các mục tiêu ở khoảng cách 150 km và với tầm bắn này, nhiều người tỏ ra hoài nghi về năng lực của hệ thống tên lửa Bình Nhưỡng trong việc tạo ra mối đe dọa đối với máy bay Mỹ hoạt động xa bờ biển Triều Tiên.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có đủ khả năng để phát hiện các máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ trước khi chúng xuất hiện hay không. Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) từng tiết lộ rằng hệ thống radar chưa hoàn thiện của Triều Tiên không thể phát hiện các máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ khi chúng bay qua vùng biển phía đông Triều Tiên vào đêm 23/9.
Lần cuối cùng Triều Tiên tấn công máy bay Mỹ là vào năm 1994. Khi đó, Bình Nhưỡng đã bắn hạ một trực thăng của quân đội Mỹ hoạt động ở khu vực biên giới vốn dày đặc các loại vũ khí giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, khiến một phi công thiệt mạng và bắt giữ phi công còn lại. Trước đó, năm 1969, một máy bay chiến đấu Triều Tiên đã bắn rơi một máy bay trinh sát không được vũ trang của Mỹ khiến toàn bộ 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ không lặp lại một cuộc tấn công như vậy ở thời điểm căng thẳng như hiện tại. Trong lúc này, chỉ cần Triều Tiên bắn hạ một máy bay Mỹ thì gần như chắc chắn Washington sẽ có động thái đáp trả và kịch bản chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
“Lý do rõ ràng nhất để giải thích cho những tuyên bố của Ngoại trưởng Ri đó là vì Triều Tiên cảm thấy không thể chấp nhận được những lời xúc phạm (từ Tổng thống Donald Trump) nhằm vào lãnh đạo tối cao của Triều Tiên”, chuyên gia Cha nói.
Theo ông Cha, tuyên bố bắn hạ máy bay Mỹ của Ngoại trưởng Ri sẽ tác động tới Nga và Trung Quốc, buộc hai nước này phải vào cuộc. Bắc Kinh và Moscow từng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên theo đuổi cách tiếp cận “đình chỉ kép”, tức Triều Tiên sẽ dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, đổi lại Mỹ sẽ không tập trận chung với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc ở sát sườn Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo ABC