1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Triều Tiên tìm cách “bắt mạch” ông Trump và những thông điệp “bom tấn”

(Dân trí) - Giới chức Triều Tiên được cho là đã âm thầm tìm cách tiếp cận với các chuyên gia phân tích có mối liên hệ với đảng Cộng hòa Mỹ ở Washington nhằm “giải mã” Tổng thống Donald Trump và những thông điệp của ông.


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Washington Post cho biết, quá trình tiếp cận này thậm chí bắt đầu từ trước khi lãnh đạo hai nước đưa ra những cảnh báo đe dọa lẫn nhau khiến dư luận nghi ngại về một cuộc xung đột nghiêm trọng. Việc tìm hiểu diễn ra ngay cả khi Triều Tiên được cho là không có ý định đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của mình, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố "giờ chưa phải lúc đàm phán".

“Quan tâm số một của họ (Triều Tiên) là Tổng thống Trump. Họ không thể giải mã được ông ấy”, một nguồn thạo tin cho biết với hãng tin Washington Post.

Theo đó, để hiểu được ý định của Mỹ, phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc được cho là đã mời ông Bruce Klingner, một cựu chuyên gia phân tích của CIA và hiện là chuyên gia hàng đầu của tổ chức Heritage, tới Bình Nhưỡng.

Tổng thống Trump có quan hệ khá gần gũi với Heritage, một tổ chức cố vấn có tác động không nhỏ đến ông trong các quyết sách như hạn chế nhập cư, chi tiêu quốc phòng.

“Họ đang triển khai một chiến dịch mới nhằm tiếp cận các học giả và cựu quan chức của Mỹ. Mặc dù những cuộc tiếp cận đó hữu ích, nhưng nếu Triều Tiên muốn phát đi thông điệp rõ ràng, họ cần tiếp cận trực tiếp chính phủ Mỹ”, ông Klingner nói.

Nguồn tin cho biết thêm, giới chức Triều Tiên cũng được cho là đã tiếp cận ông Douglas H. Paal, một chuyên gia về châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush. Qua đó, Triều Tiên muốn ông Paal giúp kết nối giữa quan chức Triều Tiên với các chuyên gia có mối quan hệ với đảng Cộng hòa ở Mỹ tại các quốc gia trung lập như Thụy Sỹ, Singapore, Malaysia.

Qua nhiều kênh liên lạc, Triều Tiên muốn tìm lời giải đáp cho hàng loạt câu hỏi như Mỹ có nghiêm túc về ý định đóng các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc hay không hay liệu Mỹ có đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại bán đảo Triều Tiên hay không. Thậm chí những câu hỏi ngày càng trở nên chi tiết hơn liên quan đến chính quyền của Tổng thống Trump.

Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên tăng cường hoạt động này sau khi Tổng thống Trump đắc cử và sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới trong bối cảnh cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục xu hướng leo thang với những cảnh báo hủy diệt lẫn nhau.

Minh Phương

Theo Washington Post