1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nêu lý do Ukraine chưa đưa siêu tăng Abrams của Mỹ ra tiền tuyến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia lý giải lý do Mỹ đã chuyển lô 31 xe tăng M1A2 Abrams cho Ukraine nhưng tới nay Kiev chưa tung các vũ khí này ra chiến trường.

Chuyên gia nêu lý do Ukraine chưa đưa siêu tăng Abrams của Mỹ ra tiền tuyến - 1

Một chiếc xe tăng M1 Abrams gắn con lăn phá mìn (Ảnh minh họa: BI).

Từ tháng 9, Mỹ bắt đầu gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine. Tới nay, Mỹ đã hoàn thành gửi 31 chiếc theo đúng cam kết trước đó, nhưng các thông tin từ chiến trường cho thấy chúng chưa tham chiến.

Giới chuyên gia nói với Business Insider rằng điều kiện hiện tại dường như không cho phép Ukraine có thể sử dụng hiệu quả các vũ khí này, do thời tiết xấu và hàng rào phòng thủ kiên cố của Nga.

Họ cho rằng, Abrams dường như sẽ không xuất hiện trên tiền tuyến cho tới mùa xuân năm sau.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho biết: "Cho tới khi điều kiện ở tiền tuyến trở nên ổn định, Ukraine sẽ giữ Abrams trong kho dự trữ".

Ông dự đoán rằng Ukraine dường như sẽ phối hợp các xe Abrams với phương tiện chiến đấu bộ binh M2 Bradley cũng do Mỹ sản xuất. Bradley đã được chuyển tới Ukraine và cũng đã xuất hiện trên tiền tuyến.

Tuy nhiên, do điều kiện mùa đông, việc đưa các nhóm xe Bradley và Abrams ra chiến trường sẽ trở nên kém hiệu quả và khó hỗ trợ về mặt hậu cần.

Vào mùa đông, Ukraine sẽ xuất hiện bùn lầy, mưa, sương giá và tuyết, khiến cho việc điều khiển các phương tiện trở nên rất khó khăn.

Giới quan sát nhận định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã ngăn cản cả 2 bên có bất kỳ bước đột phá lớn nào vào mùa đông năm ngoái.

Ông Cancian cho biết, các lực lượng Ukraine sẽ "chờ thời điểm thích hợp", có thể là vào mùa xuân, khi một cuộc tấn công mới có thể được phát động.

Kateryna Stepanenko, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) nhận định, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Abrams đã tham gia chiến đấu cho đến nay.

Bà cũng đưa ra nhận định tương tự ông Cancian rằng, tình trạng bùn đất sẽ ngăn cản việc sử dụng các vũ khí hạng nặng.

Sergej Sumlenny, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến Phục hồi Châu Âu ở Đức, cho biết Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm thích hợp khi gửi xe tăng Abrams cho Ukraine quá muộn.

Ông cho rằng, sự chậm trễ của Washington khi gửi xe tăng tiên tiến cho Ukraine đã giúp quân đội Nga có đủ thời gian để xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố.

Ông nhận định những chiến hào dài hàng nghìn km, những hàng chướng ngại vật bê tông "răng rồng" và bãi mìn của Nga đồng nghĩa là xe tăng phương Tây có rất ít cơ hội tỏa sáng trên chiến trường.

Ông Sulenny viện dẫn các cuộc tấn công vào tháng 7 của Lữ đoàn cơ giới số 47 ở vùng Zaporizhia, nơi quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề về xe bọc thép Bradley trước lực lượng phòng thủ của Nga.

Theo Oryx, một nhóm nghiên cứu quân sự nguồn mở, vào thời điểm đó, 34 trong số 100 xe tăng Bradley mà Mỹ cung cấp đã bị phá hủy.

Ông Sulenny nói: "Đó là trường hợp duy nhất mà người Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây trong một cuộc tấn công trực diện". Họ dường như không sẵn sàng thử lại lần nữa.

Hiện nay, với các tuyến phòng thủ của Nga trải dài hơn 1.000 km, ông cho rằng 31 xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp là quá ít để đóng vai trò "quyết định" trong cuộc chiến.

"Trung bình chỉ có 3 xe cho mỗi 100km", ông ước tính, cho rằng số lượng này quá ít và bất hợp lý.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine