1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao "vũ khí" mùa đông không giúp Nga tạo bước ngoặt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng có nhiều dự đoán rằng Nga sẽ sử dụng mùa đông như vũ khí để tạo ra lợi thế trên chiến trường ở Ukraine, nhưng thực tế cho thấy các diễn biến dường như không được như kỳ vọng của Moscow.

Chuyên gia lý giải vì sao vũ khí mùa đông không giúp Nga tạo bước ngoặt - 1

Đoàn xe bọc thép của lực lượng thân Nga ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tháng 12/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga có ý định sử dụng sương giá, tuyết và băng vào mùa đông để tạo lợi thế cho quân đội của Moscow trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Newsweek ngày 6/3 dẫn lời các chuyên gia cho rằng, "ván cược" của Nga vào thời tiết dường như không diễn ra theo những gì mà Moscow kỳ vọng.

Trong quá khứ, mùa đông từng là "đồng minh" với Nga và Liên Xô trong các cuộc chiến. Nga từng đẩy lùi đội quân của cựu Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte vào mùa đông, trong khi Liên Xô cũng từng đánh bại phát xít Đức trong trận Stalingrad hồi Thế chiến II nhờ thời tiết lạnh giá.

Khi mùa đông năm ngoái tới gần, Newsweek nhận định, Nga dường như kỳ vọng đây sẽ là thời điểm họ có thể tạo ra bước ngoặt sau khi Ukraine phản công trước đó giành lại một phần Kharkov và thành phố chiến lược Kherson.

Nga được cho tin rằng, băng tuyết sẽ làm đông cứng những con đường bùn đất, lầy lội không phù hợp cho khí tài hạng nặng ở Ukraine để họ dễ triển khai vũ khí dễ hơn, trong khi chiến thuật "mưa hỏa lực" nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đối thủ có thể làm phía Kiev lung lay ý chí. Thêm vào đó, mùa đông lạnh giá có thể khiến cho châu Âu - một trong những bên viện trợ chính cho Ukraine - đối mặt với khủng hoảng năng lượng sau khi giảm mua khí đốt Nga, kịch bản có thể ảnh hưởng tới nỗ lực hỗ trợ của phương Tây cho Kiev.

Chuyên gia Mark Katz từ Đại học George Mason (Mỹ), nói với Newsweek: "Sự kỳ vọng của ông Putin về mùa đông đã không như mong đợi. Châu Âu không bị đóng băng, và các mũi tiến công của Nga không đạt được nhiều bước đột phá".

John Spencer, một thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu cho biết: "Bất kể công nghệ quân sự trên thế giới có hiệu quả ra sao, thì địa hình và thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng trong thực chiến. Bùn lầy hiện đã quay trở lại giống như thời điểm tháng 2/2022, gây nên thách thức cho Nga".

"Quân đội Nga đã chờ mặt đất đóng băng để cơ động lực lượng và khí tài theo nhiều hướng nhằm mở rộng phòng tuyến trước một cuộc tấn công mùa xuân nhưng thời tiết không cho phép họ làm điều đó", ông Spencer nói.

Ukraine được gọi là "vựa lúa mì của châu Âu" do đất đai màu mỡ cho phép thực hiện các hoạt động sản xuất ngũ cốc. Tuy nhiên, loại đất này rất lầy lội trong thời tiết ẩm ướt và khiến các phương tiện chiến đấu hạng nặng sa lầy, rất khó kéo lên.

Mùa đông năm nay ở châu Âu không quá lạnh giá dường như đã khiến kế hoạch của Nga không như kỳ vọng vì nền đất không đông cứng lại.

Vì những lý do đó, lực lượng Nga buộc phải di chuyển trên những tuyến đường nhựa chính, biến các khí tài của Moscow thành mục tiêu dễ bị tổn thương.

Cựu đại úy thủy quân lục chiến Mỹ Matthew Hoh nói với Newsweek rằng, thời tiết ấm hơn bình thường trong năm nay có thể đã ảnh hưởng tới tính toán của Nga.

Chuyên gia lý giải vì sao vũ khí mùa đông không giúp Nga tạo bước ngoặt - 2

Một tòa chung cư và các phương tiện bị phá hủy sau cuộc tập kích tên lửa ở Kiev vào tháng 11 năm ngoái (Ảnh: Reuters).

Mặt khác, mùa đông ấm hơn cũng tác động tới hiệu quả khi Nga tập kích cơ sở năng lượng của Ukraine. Hồi đầu tháng, Ukraine tuyên bố đã vượt qua mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử. Dù bị tàn phá tới một nửa hệ thống cơ sở hạ tầng điện, Ukraine vẫn xoay xở để đảm bảo cung cấp năng lượng, sưởi ấm trước áp lực dồn dập từ Nga. Nếu mùa đông lạnh hơn, diễn biến này có thể đã khác.

Thêm nữa, châu Âu dù đối mặt với thách thức lớn và lâu dài về nguồn cung năng lượng và buộc phải nhập khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ với giá cao gấp nhiều lần, nhưng về ngắn hạn, họ vẫn vượt qua được mùa đông mà không phải đối mặt với tình hình gián đoạn nghiêm trọng. Thời tiết ấm hơn mọi năm là một yếu tố quan trọng giúp châu Âu có thể vượt qua được khó khăn trước mắt.

Lợi thế của Nga

Mặt khác, theo chuyên gia Katz, dù "vũ khí" mùa đông không được như kỳ vọng, Nga vẫn có những lợi thế trong chiến sự năm nay.

Thứ nhất, phương Tây vẫn chưa thể cô lập hoàn toàn Nga với thế giới. Nga đang xoay trục sang châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh để tiếp tục hoạt động giao thương nhằm đối phó với lệnh cấm vận quy mô lớn của phương Tây. Một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đang có cách tiếp cận trung lập với tình hình và vẫn làm ăn với Nga. 

Thứ hai, Nga vẫn là một cường quốc quân sự. Họ đã tăng cường sản xuất vũ khí, huy động tân binh và Nga vẫn còn tiềm lực để tiến hành trận đánh lớn vào mùa xuân, theo các chuyên gia. 

Thứ ba, phương Tây bắt đầu đối mặt với các thách thức trong việc trừng phạt Nga, khi họ đã áp dụng gần như hết các biện pháp cấm vận quy mô lớn với ngành năng lượng xương sống của Moscow. Thêm vào đó, việc phương Tây bị cạn kiệt kho vũ khí sau một năm dồn dập tiếp viện Ukraine cũng có thể tạo ra tình huống bất lợi cho Kiev.

Ông Katz nhận định, nếu như chiến sự Nga - Ukraine biến thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài vài năm, thì vẫn có khả năng mùa đông lạnh giá hơn rất nhiều sẽ xảy ra trong năm nay hoặc năm tới. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, "vũ khí" mùa đông của Nga vẫn có thể hiệu quả như kỳ vọng.

Theo Newsweek