1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật càn quét hỏa lực giúp Nga xuyên thủng "thành trì" của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, quân đội Nga đã sử dụng một chiến thuật từ Thế chiến II để xuyên qua những cứ điểm kiên cố như "thành trì" của Ukraine ở Donbass.

Chiến thuật càn quét hỏa lực giúp Nga xuyên thủng thành trì của Ukraine - 1

Pháo phản lực TOS-1A của Nga khai hỏa (Ảnh: Roe.ru).

Topwar đưa tin, cuộc giao tranh gần đây giữa Nga và Ukraine ở Marinka, Donetsk được xem là một ví dụ điển hình cho chiến thuật càn quét hỏa lực mà Nga đang triển khai ở Donbass.

Đây là chiến thuật chuyên dùng để xuyên qua các khu vực kiên cố như "thành trì" của đối thủ, tận dụng lợi thế hỏa lực và pháo binh để tạo nên ưu thế trên chiến trường.

Nguyên tắc cơ bản của chiến thuật là phân chia các cuộc tấn công của pháo binh để chế áp dồn dập mục tiêu đối phương. Về cơ bản, để chiến thuật được hiệu quả, các đòn tấn công phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng thủ của đối thủ đóng vai trò rất quan trọng.

Tại Marinka và một số khu vực ở phía tây Donbass, lực lượng Ukraine đã lập nên một mạng lưới rộng khắp các đường hào và lối đi ngầm chắc chắn được gia cố trong suốt 8 năm qua - thời điểm mà giao tranh giữa quân đội của Kiev và phe ly khai ở miền Đông nổ ra.

Vì vậy, việc cố gắng nhằm mục tiêu vào nhân lực của đối phương trong tình huống này gần như không có ý nghĩa vì trong cuộc giao tranh, các quân nhân Nga sẽ phải di chuyển qua các khu vực kiên cố của Ukraine và họ sẽ phải đối mặt với rủi ro bị đối thủ ở dưới các đường hầm ngầm và hào phục kích. Theo chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok, với tình hình này, chiến thuật càn quét hỏa lực là một phương án hiệu quả.

Để phá hủy được các công sự vững chắc của Ukraine, Nga phải tập trung hỏa lực với mật độ dày đặc và chắc chắn phải tiêu hao lượng đạn dược lớn. Thay vì sử dụng 200 quả đạn pháo 152mm, Nga có thể phải dùng tới 300-350 quả để phá hủy mỗi mục tiêu. Việc thực hiện nhiều cuộc tấn công tương tự một cách dồn dập sẽ khiến đối thủ không thể trú nấp và sẽ phá hủy được các công sự kiên cố.

Video siêu pháo "lửa mặt trời" Nga phóng hỏa lực vào mục tiêu Ukraine

Để đạt được mật độ hỏa lực dày đặc, thay vì một tiểu đoàn pháo binh, Nga có thể sử dụng 10 hoặc 20 tiểu đoàn cùng một lúc. Ngay cả đối với một mục tiêu lộ thiên, chiến thuật này có thể đòi hỏi 300-500 quả đạn pháo được huy động.  

Theo ông Khodarenok, với trận đánh như ở Marinka, Nga có thể sử dụng 5.000 quả đạn pháo để nhằm vào các công sự trong 1-2 ngày.

Với mật độ hỏa lực dày đặc, phía Ukraine bị buộc phải nhanh chóng di tản trước khi các công sự bị phá hủy. Ngoài ra, do Nga áp đảo về số lượng hỏa lực, Ukraine rất khó để thực hiện chiến thuật phản pháo.

Theo chuyên gia trên, nếu Nga triển khai thêm lực lượng trên không để bắn hỏa lực vào các công sự, thì áp lực mà lực lượng Ukraine phải đối mặt sẽ còn tăng thêm.

Nhược điểm của chiến thuật này là việc phải huy động lượng đạn dược rất lớn nên nó yêu cầu nguồn cung đạn pháo đều đặn và đầy đủ. Với việc Ukraine sử dụng hệ thống hỏa lực phóng loạt với độ chính xác cao như HIMARS do phương Tây viện trợ, Kiev có thể phá hủy các kho dự trữ của Nga và có thể khiến Moscow gặp khó trong việc duy trì chiến thuật.

Theo Topwar
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine