1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu vật lộn để đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine

An Hoàng

(Dân trí) - Các quốc gia đồng minh châu Âu buộc phải tận dụng mọi nguồn lực mà họ có, từ tăng ca sản xuất đến tăng ngân sách để đáp ứng nhu cầu trang thiết bị quân sự ngày một cao ở tiền tuyến Ukraine.

Châu Âu vật lộn để đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine - 1

Xe pháo DITA tại một nhà máy vũ khí ở Cộng hòa Séc (Ảnh: Reuters).

"Chúng ta phải tăng tốc lên. Chúng ta phải cung cấp nhiều vũ khí hơn và nhanh hơn nữa", tướng Onno Eichelsheim, người đứng đầu quân đội Hà Lan, thúc giục các nhân viên trong chuyến thăm nhà máy sản xuất pháo và xe tăng.

Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đồng minh khác cũng đang nỗ lực tìm cách tăng lượng vũ khí viện trợ cho Ukraine, quốc gia đang cạn kiệt đạn dược do liên tục phải dùng hỏa lực để giữ chiến tuyến dài 1.000km.

Hồi tháng 3/2023, liên minh này thậm chí đã đặt ra mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Kiev trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, tròn một năm trôi qua, giới chức phương Tây cho biết  họ mới chỉ đáp ứng được hơn một nửa mục tiêu đề ra do không đủ năng lực sản xuất và thiếu đơn sản xuất dài hạn.

Những thách thức bủa vây

Trong cuộc họp với các ngoại trưởng EU tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine cần 2,5 triệu quả đạn pháo trong năm nay nhưng EU chỉ gửi 400.000 quả.

"Thách thức về nhu cầu đạn dược và hệ thống phòng không đang đè nặng lên các quốc gia hỗ trợ. Kiev cần khoảng 75.000-90.000 quả đạn pháo mỗi tháng để duy trì hàng phòng thủ và 200.000-250.000 để có thể tổ chức tấn công", trích bài nghiên cứu được đăng tải hồi tháng 2 trên tạp chí Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Trách nhiệm tìm kiếm nguồn cung đạn dược hiện là chủ đề được tranh luận gay gắt trong EU. Chính phủ Séc đang đóng vai trò trung tâm trong việc huy động vốn từ các đối tác và tiến hành các đơn đặt hàng với ngành công nghiệp quốc phòng Séc. Các đồng minh khác như Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch... cũng đóng vai trò tài trợ chi phí cho phần lớn trang thiết bị.

Hà Lan cũng "khá bận rộn trong những tháng qua", cố gắng bù đắp sự thiếu hụt về đạn pháo của Ukraine. Ông Simon Wouda, một quan chức quân đội Hà Lan, cho biết đã tìm được một số bên cung cấp, song ông từ chối nêu tên cụ thể.

Hà Lan đã phân bổ khoảng 271 triệu USD để mua đạn dược cho Kiev, đồng thời yêu cầu các đồng minh đóng góp vào kế hoạch hợp tác với chính phủ Séc. Một trong những phương án được chính quyền Séc đề xuất là các quốc gia sẽ chọn vật tư để tài trợ cho Ukraine, Séc sẽ đóng vai trò sản xuất và nhận thanh toán.

Pháp và Đức được cho là đang xem xét tham gia đề xuất này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch trên trong chuyến thăm Praha ngày 5/2, song chưa tiết lộ chi tiết về những đóng góp của Paris.

Nhu cầu của Ukraine không chỉ dừng lại ở đạn pháo. Để có thể đương đầu với vũ khí vượt trội của Nga, Kiev cần tăng cường vũ khí trên mọi phương diện và từ mọi nguồn lực. Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách các quốc gia cung cấp cho Ukraine cho đến nay.

Cuối năm nay, Đan Mạch và Hà Lan dự kiến chuyển các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, ngoài ra còn có 100 khẩu pháo phòng không và 105 xe tăng T-72. Bên cạnh đó, Hà Lan đã đặt mua 9 hệ thống lựu pháo hiện đại từ Séc để viện trợ thêm cho Kiev.

Pavel Doško, Giám đốc Kinh doanh Defense Land Systems của CSG, cho biết công ty đã bổ sung hàng trăm nhân công để đáp ứng tiến độ sản xuất. "Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để cung cấp được nhiều nhất, nhanh nhất và tốt nhất cho Ukraine", ông nói.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine