Châu Âu tìm kiếm vai trò đàm phán về hòa bình ở Ukraine
(Dân trí) - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và tuyên bố khởi động các cuộc hòa đàm, châu Âu đã cố gắng giành một chỗ trong tiến trình này.
![Châu Âu tìm kiếm vai trò đàm phán về hòa bình ở Ukraine - 1 Châu Âu tìm kiếm vai trò đàm phán về hòa bình ở Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/GdcR1Zp4JVMfLOFGpGwE7Xjwl58=/thumb_w/1020/2024/03/03/skynews-nato-ukraine6114053-1709434885219.png)
Châu Âu muốn đóng vai trò lớn trong hòa đàm chấm dứt xung đột Ukraine (Ảnh minh họa: Skynews).
Động thái của ông Trump đã gây chấn động khắp các thủ đô châu Âu, nơi mong muốn giữ vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán hòa bình, bởi lẽ bất kỳ thỏa thuận nào về Ukraine - quốc gia chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột toàn diện của Nga 3 năm trước - đều sẽ tác động trực tiếp đến an ninh của họ.
"Hòa bình ở châu Âu đang bị đe dọa, đó là lý do vì sao chúng tôi, người châu Âu, cần được tham gia", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài Deutschlandfunk.
Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa chính quyền Trump và châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng sẽ tốt hơn nếu Washington không đưa ra những nhượng bộ đối với Moscow trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene cảnh báo rằng châu Âu không nên rơi vào ảo tưởng rằng ông Trump và ông Putin sẽ tìm ra giải pháp cho tất cả, vì đó có thể là một "cái bẫy chết người".
Tại trụ sở NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bảo vệ cách tiếp cận của Mỹ, cho rằng thế giới may mắn khi có ông Trump, "nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh, đứng ra kết nối hai bên nhằm tìm kiếm một nền hòa bình thông qua thương lượng".
Khi được hỏi liệu có quốc gia châu Âu nào tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt hôm 12/2 cho biết: "Hiện tại, tôi không có thông tin về bất kỳ quốc gia châu Âu nào tham gia để cung cấp cho các bạn".
Kỳ vọng của châu Âu
Nhiều quan chức châu Âu kỳ vọng rằng loạt cuộc họp với các quan chức tại Brussels và Munich trong tuần này sẽ là cơ hội để họ tác động đến quan điểm của Mỹ về cuộc chiến.
Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng chính quyền ông Trump đang tiến hành các bước đi mà không có họ.
Ngày 12/2, ông Hegseth công khai tuyên bố rằng việc Ukraine muốn khôi phục đường biên giới trước năm 2014 là không thực tế và việc Kiev gia nhập NATO sẽ không nằm trong thỏa thuận hòa bình.
Vài giờ sau phát biểu của ông Hegseth, Tổng thống Trump cho biết ông đã có một "cuộc điện đàm cực kỳ hiệu quả" với ông Putin và hai bên đã đồng ý bắt đầu đàm phán ngay lập tức. Sau đó, ông đã thông báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cuộc gọi này.
Trong một tuyên bố đưa ra vào đêm muộn sau cuộc họp tại Paris hôm 12/2, các ngoại trưởng từ các nước lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, nhấn mạnh rằng, trong tương lai, châu Âu phải tham gia vào mọi cuộc đàm phán về Ukraine.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết các ngoại trưởng đã nhất trí sẽ tiến hành một "cuộc đối thoại thẳng thắn và đầy yêu cầu" với các quan chức Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich, sự kiện kéo dài 3 ngày, dự kiến khai mạc ngày 14/2 tại miền Nam nước Đức.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng một trong những lý do họ cần tham gia vào các cuộc đàm phán là vì Washington đã nêu rõ kỳ vọng rằng châu Âu sẽ cung cấp các bảo đảm an ninh cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, điều này có thể đồng nghĩa với việc binh sĩ châu Âu sẽ được triển khai tới Ukraine.
"Không có lựa chọn nào khác ngoài việc có mặt tại bàn đàm phán, vì chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các bảo đảm an ninh đó", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã tìm cách xoa dịu những khác biệt trong liên minh, khẳng định với các phóng viên rằng có "sự đồng thuận rõ ràng" về những điểm chính.
"Chúng ta đều mong muốn hòa bình ở Ukraine sớm hơn là muộn. Chúng ta đều muốn Ukraine ở vị thế tốt nhất khi các cuộc đàm phán bắt đầu…, và điều quan trọng là bất kỳ thỏa thuận nào đạt được từ các cuộc đàm phán đó phải có tính bền vững", ông Rutte nói với các phóng viên.