1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump tuyên bố tiến triển lớn nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và đội ngũ đã đạt được tiến triển đáng kể trong quá trình đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.

Ông Trump tuyên bố tiến triển lớn nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

"Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ to lớn. Chúng tôi đang làm việc với cả Nga và Ukraine. Tôi nghĩ điều gì đó sắp xảy ra", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News được công bố ngày 11/2.

Tuyên bố của ông Trump thu hút sự quan tâm rộng rãi, song chi tiết của quá trình đàm phán vẫn chưa rõ ràng. Cả quan chức Ukraine và Nga đều không xác nhận bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong các cuộc đàm phán.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn trong khi các nỗ lực ngoại giao gặp khó khăn. Mỹ đã tích cực tham gia vào nỗ lực hòa giải giữa các bên trong cuộc xung đột và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây áp lực lên Nga bằng các biện pháp trừng phạt.

Các chuyên gia cho rằng tiến trình mà Tổng thống Mỹ đang nói đến có thể liên quan đến các cuộc tiếp xúc ngoại giao gần đây nhằm phát triển một thỏa thuận khung.

Các quan chức cấp cao của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này, bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức), để thảo luận kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột. Phái đoàn của Mỹ cũng sẽ sử dụng cuộc họp tại Munich để đánh giá sự ủng hộ mà châu Âu sẵn sàng dành cho Ukraine.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu phát triển chiến lược giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine và Nga, sẽ trình Tổng thống Trump các lựa chọn giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Để làm được điều này, ông Kellogg có kế hoạch thu thập thông tin trong quá trình tham gia Hội nghị An ninh Munich, cũng như trong các chuyến thăm Ukraine và một số nước châu Âu khác.

Theo Bloomberg, một số quan chức châu Âu đang khuyên Mỹ tiếp tục tăng áp lực trừng phạt lên Moscow, đặc biệt là thắt chặt các hạn chế trong lĩnh vực năng lượng. Trong số các đề xuất được thảo luận có việc hạ trần giá dầu của Nga và sử dụng tài sản bị đóng băng của Moscow để tài trợ hoạt động tái thiết Ukraine.

Mục tiêu của các cuộc tham vấn là tạo tiền đề cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Kellogg dự định thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc sẵn sàng đi đầu để thành lập một lực lượng răn đe nhằm đảm bảo tuân thủ thỏa thuận hòa bình. Mỹ sẽ không gửi quân tham gia nỗ lực này nhưng sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ khác.

Các sáng kiến hòa bình ở Ukraine đã được thảo luận từ lâu, nhưng chiến lược hiện tại cho thấy cách tiếp cận tập trung hơn vào các nỗ lực phối hợp với châu Âu. Giới chuyên gia tin rằng đây có thể là một bước quan trọng để ổn định tình hình.

Nhà khoa học chính trị Jonathan Bryant bình luận: "Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Putin và ông Zelensky có thể là một bước ngoặt, nhưng để thành công, cần có sự đảm bảo tuân thủ các thỏa thuận đã đạt được. Vai trò của châu Âu trong vấn đề này sẽ mang tính quyết định".

Theo Avia Pro
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine