1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu thích ứng với những tác động kéo dài do chiến sự Nga - Ukraine

Nguyên Long

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra các thay đổi trên toàn cầu, đặc biệt làm thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu và khiến châu lục này chứng kiến nhiều thay đổi lớn lao.

Châu Âu thích ứng với những tác động kéo dài do chiến sự Nga - Ukraine  - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp đón các lãnh đạo châu Âu đến thăm thủ đô Kiev hồi tháng 6/2022 (Ảnh: AFP).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu chấm dứt khi triển vọng hòa đàm vẫn khá xa vời. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến các nước châu Âu gia tăng cảnh giác trước các biến động và mối đe dọa định chính trị; đồng thời khiến các lãnh đạo châu lục này phải thay đổi hoàn toàn quan điểm về an ninh và các mối quan hệ chính trị. Châu Âu sau khi chiến sự Ukraine bùng phát đã chứng kiến rất nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Châu Âu sang trang mới

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến cục diện châu Âu bước sang một trang mới chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh và khiến họ phải đánh giá lại mối quan tâm an ninh của mình. Hiện nay, ở cả cấp độ NATO và EU đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc làm thế nào để củng cố cấu trúc phòng thủ ở châu Âu cũng như an ninh chung của khối và buộc họ phải có những điều chỉnh chiến lược.

Nếu trước xung đột, Đức và Pháp đã có phần thất bại trong việc thích nghi với thực tế địa chính trị mới thì nay đã có những điều chỉnh lớn. Đặc biệt là Đức, sau nhiều năm từ chối tăng chi tiêu quân sự bất chấp áp lực lớn từ Mỹ, ngày 27/2/2022- chỉ 03 ngày sau khi xung đột nổ ra -  Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng như mục tiêu của NATO. Cũng theo một tài liệu của chính phủ Đức mà hãng Bloomberg tiếp cận được ngày 5/12, nội các của ông Scholz đã dành 10 tỷ euro (10,5 tỷ USD) để mua 35 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A Lightning II của Mỹ. Dự kiến lô máy bay đầu tiên sẽ được giao vào năm 2026. Đức cũng từ bỏ chính sách không cung cấp vũ khí cho các vùng chiến sự khi cam kết chuyển xe tăng Leopard 1 cho Ukraine, đồng thời hối thúc đồng minh khẩn trương hành động tương tự. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, chính sách an ninh được Đức đặt ngang bằng chính sách đối ngoại.

Hơn nữa, các diễn biến địa chính trị vừa qua cũng đã kéo các quốc gia NATO đoàn kết hơn, hình thành "Khái niệm chiến lược an ninh mới" và kết nạp thêm thành viên. Đáng kể nhất là việc Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lập trường trung lập và cùng đệ đơn gia nhập NATO vào giữa năm 2022, dẫn đến triển vọng mở rộng của NATO về phía Bắc Âu. Đây được coi là một bước chuyển lịch sử, là minh chứng cho thấy, các quốc gia châu Âu tìm đến NATO như một "chiếc ô an ninh" trong môi trường đầy bất ổn hiện nay. 

Xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy các hành động không thể tưởng tưởng được của EU nhằm hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine. Tính đến tháng 2/2023, EU và các nước thành viên đã cung cấp tổng cộng 67 tỷ euro, bao gồm 37,8 tỷ euro viện trợ kinh tế; 12 tỷ euro cho quân đội và 17 tỷ euro hỗ trợ người tị nạn Ukraine. EU cũng thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự tại Ukraine (EUMAM Ukraine) và đầu tháng 2 vừa qua đã quyết định cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ thứ 7 trị giá 500 triệu euro cùng 45 triệu euro cho hoạt động đào tạo của Phái bộ.

Dù vẫn còn đâu đó những tính toán, cân nhắc thiệt hơn và phản đối nhưng EU và đồng minh đã thống nhất áp đặt nhiều gói trừng phạt rất nặng nhắm vào Nga, tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine. Hơn nữa, điều quan trọng đến nay là phần lớn các quốc gia EU đã từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga trong một sự thay đổi sâu rộng dưới áp lực lạm phát gay gắt.

Bên cạnh đó, cho dù còn nhiều ràng buộc pháp lý và chưa có tiền lệ nhưng EU vẫn đang thảo luận tích cực về khả năng giải ngân các tài sản của Nga bị tịch thu để phục vụ quá trình tái thiết Ukraine. Hồi tháng 9/2022, Ngân hàng thế giới (WB) đã ước tính, chi phí phục hồi và tái thiết Ukraine sẽ lên tới 349 tỷ euro, tuy nhiên, nếu xung đột vẫn kéo dài, con số này sẽ còn gia tăng hơn nữa. Hiện các quốc gia thành viên EU như Ba Lan và các nước Baltic đang thúc đẩy EU sử dụng 300 tỷ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng để giúp tái thiết Ukraine.

Thay đổi cơ bản nhất từ cuộc chiến là việc châu Âu chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trong năm 2020-2021, EU đã nhập khẩu 29% dầu thô, 43% khí đốt tự nhiên và 54% nhiên liệu hóa thạch rắn từ Nga với chi phí hơn 71 tỷ euro. Khi xung đột nổ ra, nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn, tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng lớn ở châu Âu, tác động nặng nề tới nền kinh tế của "lục địa già".

Theo báo cáo công bố ngày 13/2 của Viện Nghiên cứu Bruegel ở Bỉ, "hóa đơn" mà châu Âu phải trả để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi sự leo thang giá năng lượng đã tăng lên gần 800 tỷ euro. Nếu tính theo bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là 3 nước có mức chi lớn nhất.

Để "cai" khí đốt của Nga, EU và các quốc gia thành viên đã thực hiện 03 bước quan trọng: (1) Cùng các đồng minh, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển, có nguồn gốc từ hoặc được xuất khẩu từ Nga; (2) Hướng tới việc đa dạng hóa các nguồn tài nguyên bằng cách đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế từ các quốc gia khác như Mỹ, Na Uy, Azerbaijan, Algeria, Nhật Bản, Qatar... Các quốc gia thành viên EU cũng ký thỏa thuận với các nước giàu tài nguyên như thỏa thuận 15 năm giữa Đức và Qatar về xuất khẩu LNG. (3) Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, mở rộng quy mô năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, sự thống nhất trong các biện pháp trừng phạt tập thể đối với Nga, các hành động hỗ trợ và viện trợ quân sự của riêng từng nước thành viên EU vẫn không thể che giấu đi được các rạn nứt trong khối khi đối mặt với chiến tranh. Vẫn có nhiều người châu Âu, ở Italy và những nơi khác tin rằng, việc gửi vũ khí cho Ukraine "là một sai lầm".

Cuộc chiến Ukraine đã bộc lộ sự khác biệt cơ bản trong quan điểm giữa Tây và Đông Âu về chính sách của EU đối với Ukraine và Nga. Có sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các quốc gia tiền tuyến - Ba Lan và các nước vùng Baltic - và các nước Tây Âu như Pháp và Đức về phản ứng của EU đối với cuộc khủng hoảng.

Các chuyên gia đánh giá, không có nơi nào mà cuộc chiến Ukraine lại đặt ra nhiều thách thức và biến đổi hơn ở Đức. Câu hỏi nhiều người đặt ra hiện nay là liệu nước Đức có thể cân bằng được sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự hay không và rằng phần còn lại của châu Âu sẽ "cảm thấy thế nào về điều đó".

Bên cạnh đó, vấn đề di cư, người tị nạn cũng đang là vấn đề gây chia rẽ nhất giữa các quốc gia thành viên EU.

Vai trò của Mỹ

Xung đột Nga - Ukraine không chỉ khiến NATO phát huy vai trò trở lại và củng cố thế răn đe của mình cũng như tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu mà còn hướng sự quan tâm của nước Mỹ quay trở lại châu Âu, từ đó gia tăng sự phụ thuộc của châu lục này vào Mỹ.

Kể từ khi chiến sự diễn ra, Mỹ đã trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị quân sự trị giá khoảng 30 tỷ USD, vượt xa sự hỗ trợ vũ khí của châu Âu cho Kiev ngay cả khi cho đến nay sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine đã vượt quá mong đợi. Vô hình trung, điều này đang tạo áp lực rất lớn với cả EU là phải làm thế nào để vừa phải đảm bảo khả năng phòng thủ của riêng mình, vừa có thể hỗ trợ tối đa cho Ukraine, không để thua Mỹ quá xa. Áp lực sẽ gia tăng khi chiến sự kéo dài.

Hơn nữa, cuộc chiến này đã khiến cho "không gian trung lập" ở châu Âu biến mất. Chuyên gia quốc phòng người Hà Lan Korteweg nhận định: "Giờ đây không còn chỗ cho vùng xám".

Có thể thấy, sự phụ thuộc ngày càng lớn về quân sự của châu Âu vào Washington là bằng chứng rõ ràng hơn về sự cần thiết của "quyền tự chủ chiến lược". Một năm sau cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu nhận thấy họ đang ở giai đoạn đầu của hành trình khó khăn hướng tới trách nhiệm chiến lược đó.

Tóm lại, cuộc xung đột tại Ukraine đã biến đổi châu Âu sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989 và phủ bóng đen đáng ngại lên khắp châu Âu, làm thay đổi cấu trúc an ninh khu vực và khiến các quốc gia trung lập ở châu lục này phải xem xét lại địa vị an ninh của chính mình. Cuộc chiến này cũng đã dẫn đến sự tăng cường phòng thủ và răn đe của NATO, buộc các quốc gia thành viên EU một mặt phải củng cố cấu trúc phòng thủ tương ứng của họ và mặt khác củng cố cấu trúc của EU.

Những thay đổi ở châu Âu là rất sâu sắc và sẽ không thể chấm dứt một sớm, một chiều nếu chiến sự Nga - Ukraine còn kéo dài. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là châu Âu phải nỗ lực tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình nhằm sớm chấm dứt chiến tranh.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm