1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine gửi "tín hiệu mạnh mẽ" đến Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Giới quan chức Ukraine cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine diễn ra vào hôm nay 3/2 gửi "tín hiệu mạnh mẽ" tới Moscow và toàn thế giới, gần 1 năm sau khi xung đột bùng nổ.

Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Nga - 1

Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra tại Kiev vào ngày 3/2 (Ảnh: Reuters).

"Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU được tổ chức tại Kiev vào ngày 3/2 gửi tín hiệu mạnh mẽ với các đối tác và Nga", Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ hôm 1/2.

Ông Shmygal gọi sự kiện này là "vô cùng quan trọng" đối với nỗ lực gia nhập EU của Kiev. Tuy nhiên, thông tin về thành phần tham dự hội nghị của phía EU không được công bố trước.

Thủ tướng Ukraine cũng nói về "một sự kiện quan trọng khác" diễn ra trong ngày 2/2, khi các cuộc tham vấn giữa Chính phủ Ukraine và Ủy ban châu Âu (EC) diễn ra "lần đầu tiên trong lịch sử". 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine hôm nay tập trung vào tiến trình đàm phán gia nhập EU sau khi Kiev thực hiện tất cả các khuyến nghị của EC.

"Chủ đề chính trong chương trình nghị sự sẽ là triển vọng bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU sớm nhất có thể, sau khi Ukraine đáp ứng được tất cả các khuyến nghị của EC và nhận được đánh giá tích cực", ông Kuleba nói.

Ukraine đã có được tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6/2022.

Theo Ngoại trưởng Kuleba, Kiev tin tưởng vào tiến bộ đáng kể trong quá trình tiếp cận thị trường nội khối của EU, hợp tác năng lượng và hy vọng con đường gia nhập EU sẽ không quá xa.

Cũng theo Ngoại trưởng Ukraine, tại sự kiện này, các bên dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện và ra tuyên bố chung sau hội nghị.

Hội nghị này diễn ra gần 1 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giữa lúc chiến sự đang leo thang khốc liệt cùng những cuộc tranh cãi gay gắt về việc phương Tây viện trợ các vũ khí hiện đại hơn cho Kiev.

Ngoại trưởng Kuleba cho biết, hàng chục quốc gia đã cam kết cung cấp hơn 100 xe tăng sau khi Đức và Washington ký kết sẽ sớm chuyển giao hàng cho Kiev. "Đã có Leopard 2, Challenger 2, M1 Abrams," Ngoại trưởng Kuleba nói thêm, nhưng không nêu rõ thời gian chuyển giao các lô vũ khí này.

Quyết định cung cấp vũ khí được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi ngoại giao và được coi là bước đột phá của phương Tây trong nỗ lực ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến giành lại các vùng lãnh thổ từ lực lượng Nga.

Giờ đây, Tổng thống Ukraine Zelensky đang kêu gọi phương Tây cung cấp thêm máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.

Bất chấp các nguồn viện trợ vũ khí của phương Tây, Nga gần đây đã tuyên bố giành được nhiều chiến thắng lớn ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine. Bộ quốc phòng Nga tuyên bố đã "giải phóng" làng Blagodatne ở phía bắc Bakhmut.

Làng Blagodatne nằm trên đường cao tốc dẫn tới Bakhmut. Tuyên bố kiểm soát khu vực này diễn ra không lâu sau khi Ukraine thừa nhận họ đã từ bỏ thị trấn khai thác muối Soledar gần đó.

Trong khi đó, Ukraine cho biết đang chờ nhận 140 xe tăng hiện đại từ các đồng minh phương Tây, khi các lực lượng Nga tuyên bố kiểm soát khu vực mới gần điểm nóng tiền tuyến Bakhmut.

Theo SCMP