1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu ráo riết tìm nguồn thay thế, quyết "cai" dần khí đốt Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù nhìn thấy trước viễn cảnh cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, các nước châu Âu dường như vẫn không thể tránh khỏi bối rối và lo ngại.

Châu Âu ráo riết tìm nguồn thay thế, quyết cai dần khí đốt Nga - 1

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu (Ảnh: Getty).

Sự bấn loạn của châu Âu

Ngày 26/7, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cắt tiêu thụ khí đốt, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Các Bộ trưởng Năng lượng EU đã thông qua đề xuất cho tất cả thành viên tự nguyện cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức trung bình từ năm 2017-2021. Việc cắt giảm có thể bị ràng buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, với điều kiện đa số các nước EU đồng ý.

Theo Reuters, mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia, thông qua một loạt trường hợp miễn trừ có tính đến mức dự trữ khí đốt mỗi nước, cũng như liệu họ có đường ống dẫn khí đốt hay không. Cụ thể, Ireland, Malta và Cộng hòa Síp được miễn trừ do không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia thành viên khác nên không thể chia sẻ khí đốt dự phòng nếu cần.

Các quốc gia hoàn thành vượt mục tiêu của EU về việc bổ sung dự trữ khí đốt vào tháng 8 cũng có thể chỉ phải chịu mục tiêu cắt giảm tiêu thụ thấp hơn. Khoảng 10 quốc gia có kho dự trữ khí đốt tương đối đầy đủ, bao gồm cả Đức và Italy.

Cắt giảm tiêu thụ khí đốt là một trong những cách để châu Âu đối phó với tình trạng Nga siết chặt nguồn cung khí đốt. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo sẽ bắt đầu giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc 1) đến Đức xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27/7.

AP nhận định, ngay cả khi Nord Stream 1 tiếp tục hoạt động ở mức công suất thấp, châu Âu sẽ cần tiết kiệm 12 tỷ m3 khí đốt, tương đương với 120 tàu chở LNG, để đổ đầy cho kho dự trữ khí đốt mùa đông.

Thời gian qua, giới hoạch định chính sách châu Âu liên tục cảnh báo Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt trong mùa đông sắp tới. "Hiện tại, Nga đang cung cấp một phần khí đốt cho châu Âu, và không cung cấp cho 12 quốc gia thành viên EU. Vì vậy, châu Âu phải chuẩn bị phương án tồi tệ nhất cho kịch bản Moscow ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, chiếm 41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU năm 2021. Việc cắt giảm tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga chắc chắn không phải mục tiêu dễ dàng với EU. Giới chức Mỹ cho biết, việc Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung năng lượng khiến cả hai bờ Đại Dương lo sợ tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt vào mùa đông.

"Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi", một quan chức Mỹ nói và lý giải rằng tác động của cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu có thể gây hiệu ứng boomerang tại Mỹ, khiến giá khí đốt và giá điện tăng.

Chạy đua tìm nguồn cung thay thế

Châu Âu ráo riết tìm nguồn thay thế, quyết cai dần khí đốt Nga - 2

Các bộ trưởng của EU bên lề một cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng năng lượng tại Brussels hôm 26/7 (Ảnh: AP).

Vấn đề của châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt không chỉ là giảm tiêu thụ mà còn tìm cách lấp đầy các kho dự trữ, tìm nguồn cung thay thế.

Theo dữ liệu cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, trung bình dự trữ khí đốt hiện tại của khu vực này khoảng 66%. Công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định, khi lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất, châu Âu sẽ chỉ có thể lấp đầy 75-80% các kho chứa trước mùa đông. Với mức này, sau mùa đông, dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn rất thấp, khoảng 20%. Điều này sẽ kéo theo giá năng lượng trên thị trường thế giới tăng vọt và gây ra tình trạng suy thoái ở một số nền kinh tế khu vực.

Cuộc chạy đua ở châu Âu nhằm tìm nguồn cung khí đốt thay thế đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Các chính phủ, công ty đa quốc gia của châu Âu đổ xô tìm kiếm các dự án đầu tư năng lượng ở châu Phi sau một thời gian dài bỏ bê.

Đức, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất châu Âu, "lấy lòng" Senegal bằng chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Olaf Scholz hồi tháng 5. Berlin đề xuất giúp Senegal khai thác nguồn khí đốt khổng lồ của quốc gia này, song đến nay hai bên chưa đạt được thỏa thuận về dự án nào.

Các nước EU cũng tiếp cận các nhà cung cấp dầu, khí đốt khác như Anh, Mỹ. Ngoài đa dạng hóa nguồn cung, EU cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh bằng việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái chế.

Thực tế, EU đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Hiện tại, EU đẩy nhanh quá trình này bằng cách rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo xuống còn vài tháng đến 1 năm thay vì 2 năm như trước đó. Tháng trước, các bộ trưởng năng lượng của EU ủng hộ luật tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo, với mục tiêu thu được 40% nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và cắt giảm tiêu thụ năng lượng 9% so với mức dự kiến.

Tất cả những nỗ lực này đòi hỏi sự đoàn kết của các thành viên EU. Dù đã nhìn thấy trước viễn cảnh giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, nhưng châu Âu khó tránh được tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông đến gần.

Theo Weforum, Guardian, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine