1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga khóa van, châu Âu sẵn sàng đối phó khủng hoảng khí đốt

Minh Phương

(Dân trí) - Các nước châu Âu đang ra sức chuẩn bị cho kịch bản bị Nga cắt nguồn cung khí đốt nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.

eu_Reuters.jpg

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: Reuters).

Nga bắt đầu dùng đến "lá bài" cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi cảnh báo ngừng cấp khí đốt cho các quốc gia "không thân thiện", không thanh toán bằng đồng rúp. Hôm 27/4, tập đoàn năng Gazprom của Nga thông báo đã ngừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối thanh toán các hợp đồng khí mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.

Động thái này đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong căng thẳng kinh tế giữa Nga và phương Tây và có lẽ là đáp trả mạnh mẽ nhất của Moscow với các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, việc cắt nguồn cung khí đốt của Nga không khác nào "tống tiền". Bà cho biết thêm, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn cấp ngay hôm 27/4 và một số nước đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria để bù đắp nguồn cung từ Nga. "Thời đại nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sẽ đến hồi kết thúc. Châu Âu đang tự giải quyết các vấn đề năng lượng", bà Leyen nói.

Tuy vậy, một câu hỏi đặt ra là, châu Âu có thể giúp Ba Lan, Bulgaria đối phó, nhưng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho các nước EU khác, đặc biệt là Đức, Italy, điều gì sẽ xảy ra.

Châu Âu đã sẵn sàng cho khủng hoảng năng lượng?

Nga khóa van, châu Âu sẵn sàng đối phó khủng hoảng khí đốt - 2

Một công nhân điều chỉnh van đường ống khí đốt của Gazprom tại Nga (Ảnh: Bloomberg).

Theo Ủy ban châu Âu, EU phụ thuộc 45% nhập khẩu khí đốt từ Nga. Hiện tại, các cơ sở dự trữ khí đốt của EU chỉ lấp đầy khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% phải đạt trước tháng 11/2022 mà khối này đề ra cho các nước thành viên. Các chuyên gia phân tích tại tổ chức Berenberg dự đoán, châu Âu có thể chống chịu được đến cuối mùa thu nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung khí đốt.

EU đã nhanh chóng tìm các nguồn cung thay thế, giảm phụ thuộc vào Nga. Hồi tháng 3, các lãnh đạo EU đã cam kết giảm 66% mức tiêu thụ khí đốt Nga trước cuối năm nay và phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga trước năm 2027. Khối này cũng nhất trí với Mỹ về việc tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Đức đang đẩy nhanh xây dựng các cảng tiếp nhận LNG, trong khi Italy trong tháng này cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác với Ai Cập và Algeria.

"Động thái mới nhất của Nga một lần nữa nhắc nhở chúng ta cần tìm kiếm các đối tác đáng tin cậy, độc lập về năng lượng", bà Leyen nhấn mạnh.

Ba Lan đã lường trước kịch bản bị Nga ngừng cung cấp khí đốt. Mặc dù khí đốt Nga chiếm tới 55% tổng giá trị nhập khẩu khí đốt của Ba Lan năm 2020, nhưng nước này đã đa dạng nguồn cung năng lượng từ vài năm trở lại đây. Họ đã xây dựng một cảng LNG và chuẩn bị mở một đường ống khí đốt tới Na Uy vào cuối năm nay. PGNiG, tập đoàn khí đốt của Ba Lan, hôm 26/4 cho biết dự trữ khí đốt của họ đạt gần 80%.

Carsten Fritsch, chuyên gia tại bộ phận phân tích thị trường hàng hóa của Commerzbank, bình luận sự chuẩn bị của Ba Lan phần nào lý giải cho việc thị trường không quá hoảng loạn với thông tin Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Giá khí đốt giao sau tại thị trường châu Âu đã tăng 24% đầu phiên giao dịch ngày 27/4, nhưng sau đó đã giảm về mức chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá trung bình của tháng 4.
Bulgaria phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga hơn, với 75% khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho biết đã tìm kiếm các nguồn cung thay thế và đang xây dựng một đường ống khí đốt đến Hy Lạp. "Hiện tại chúng tôi không phải áp dụng bất cứ biện pháp hạn chế tiêu thụ khí đốt", Bộ Năng lượng Bulgaria cho hay.

Ngược lại, với Đức, đó sẽ là một vấn đề lớn nếu đột ngột bị cắt nguồn cung khí đốt. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này nhập khẩu khoảng 55% khí đốt từ Nga. Mặc dù đã nỗ lực giảm nhập khẩu năng lượng Nga trong những tuần gần đây, song kịch bản bị cắt nguồn cung đột ngột có thể là "thảm họa" với ngành công nghiệp nặng của Đức, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, nguyên liệu thô thiếu hụt.

Theo các chuyên gia, nếu nguồn cung năng lượng chính của Đức bị gián đoạn, nó có thể kéo theo tình trạng cắt giảm sản xuất, xuất khẩu và đe dọa đến sự tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở nước này.

Ngân hàng trung ương Đức tuần trước ước tính, nếu bị cắt nguồn cung khí đốt kinh tế Đức có nguy cơ suy thoái sâu, GDP có thể giảm 6,5% trong năm nay và năm sau, thị trường trong nước có thể mất khoảng 550.000 việc làm.

Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi động kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn, trong đó ưu tiên sử dụng khí đốt cho bệnh viện và hộ gia đình hơn doanh nghiệp.

Henning Gloystein, Giám đốc Năng lượng và Khí hậu và Tài nguyên tại Eurasia Group, nhận định Đức và Italy vẫn có thể tránh được việc cắt giảm tiêu thụ nếu hành động nhanh chóng. Ông cũng khuyến cáo: "Các nước châu Âu cần gia nhập thị trường LNG và đặt hàng càng nhiều bồn chứa càng tốt trong vài tuần và vài tháng tới".

Theo Washington Post