1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước vùng Vịnh phớt lờ kêu gọi của Mỹ về nới lỏng phong tỏa Qatar

(Dân trí) - Các quốc gia đứng sau chiến dịch cô lập Qatar đã hoan nghênh các bình luận mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ủng hộ động thái của họ, nhưng phớt lờ kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ nhằm nới lỏng các biện pháp phong tỏa.


Tổng thống Donald Trump và các quan chức vùng Vịnh tại Ả-rập Xê-út hôm 21/5 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump và các quan chức vùng Vịnh tại Ả-rập Xê-út hôm 21/5 (Ảnh: Reuters)

Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain nằm trong số các quốc gia đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố. Doha mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc đó.

Nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump đã tỏ thái độ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Qatar. Hồi tuần trước, ông Trump đã viết trên mạng xã hội công khai ủng hộ động thái của các nước vùng Vịnh nhằm cô lập Qatar.

Trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm qua 9/6, ông Trump nói: “Qatar có truyền thống là một nước tài trợ cho khủng bố ở cấp độ rất cao. Cùng với Ngoại trưởng Rex Tillerson, các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội của chúng ta, tôi quyết định đã đến lúc phải kêu gọi Qatar chấm dứt việc tài trợ đó”.

Tuy nhiên, giọng điệu các bình luận của Tổng thống Mỹ dường như trái ngược với các bình luận của Ngoại trưởng Tillerson, người trước đó nói rằng lệnh phong tỏa gây hệ quả nhân đạo.

Ông Tillerson nói thêm rằng cuộc tranh cãi đang leo thang đã ảnh hưởng tới sự hợp tác của khu vực nhằm chiến đấu với khủng bố. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, lệnh phong tỏa “làm suy yếu các hoạt động kinh tế của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong khu vực”, và rằng Mỹ ủng hộ các nỗ lực làm trung gian hòa giải của Kuwait.

Hôm nay, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Bahrain không đề cập gì tới kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ.

Tại Ả-rập Xê-út, một quan chức nói với truyền thông nước này rằng Qatar phải thay đổi chính sách. “Chiến đấu với khủng bố và cực đoan không còn là một lựa chọn, mà là một cam kết đòi hỏi hành động cương quyết và kịp thời nhằm cắt đứt tất cả các nguồn hỗ trợ cho khủng bố”.

Trong khi đó, hãng thông tấn BNA của Bahrain đã nhấn mạnh “sự cần thiết về cam kết của Qatar nhằm thay đổi các chính sách theo hướng minh bạch trong các nỗ lực chiến đấu với khủng bố”.


Một loạt quốc gia (màu đỏ) đã tuyên bố cắt quan hệ với Qatar (Ảnh: News.com.au)

Một loạt quốc gia (màu đỏ) đã tuyên bố cắt quan hệ với Qatar (Ảnh: News.com.au)

Ngoại trưởng Qatar đi châu Âu tìm kiếm đồng minh

Động thái cắt quan hệ ngoại giao diễn ra sau nhiều năm căng thẳng giữa Qatar và các láng giềng vùng Vịnh, đặc biệt là Ả-rập Xê-út.

Qatar - một quốc gia diện tích nhỏ nhưng giàu dầu mỏ và khí đốt - đã bác bỏ các cáo buộc hỗ trợ các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Quốc vương Sheikh Mohammed nói đất nước ông bị cô lập “vì chúng tôi thành công và tiến bộ”, gọi Qatar là “nền tảng cho hòa bình, chứ không phải khủng bố”.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã tới châu Âu để tìm kiếm sự ủng hộ của châu lục này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã có cuộc gặp với người đồng cấp Qatar tại Moscow hôm nay, đã bày tỏ lo ngại về điều mà ông gọi là “tình hình xấu đi nghiêm trọng trong thế giới Ả-rập”, và nói Nga có thể làm tất cả những gì có thể để hóa giải tình hình.

Trước đó, hôm 9/6, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Qatar. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói ông chưa từng biết Qatar hỗ trợ các nhóm khủng bố và kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cấm vận.

An Bình