Thổ-Iran điều quân giúp Qatar, Arab lo "miệng hố chiến tranh "
Qatar tuyên bố không thay đổi chính sách trước áp lực của Ả rập Xê út, đồng thời đang tích cực chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là xung đột quân sự.
Qatar cương quyết không thay đổi chính sách
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngày 8/6 cho biết, nước này không có ý định thay đổi chính sách đối ngoại của mình chỉ để giải quyết tranh chấp với các nước Ả Rập vùng Vịnh và chính quyền Doha sẽ không bao giờ thỏa hiệp.
Bahrain, Ả rập Xê út, Ai Cập, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) – những quốc gia cùng trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh – GCC (trừ Oman) và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa đường không, đường biển với Qatar từ hôm 5/6.
Bahrain, Kuwait, Ả rập Xê út và UAE đã đồng loạt cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cực đoan và đối thủ của các nước Ả rập trong khu vực là Iran.
Các quan chức Ả rập Xê út và UAE đã công khai cáo buộc Qatar về việc chuyển tiền cho các nhóm khủng bố liên quan đến al-Qaeda ở Syria và Yemen và cung cấp một “nơi cư trú an toàn” cho các lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas.
Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc trên và cho rằng, việc nước này đồng loạt bị cô lập là do Doha đã trở thành “một chính quyền thành công và tiến bộ, là một nền tảng vững chắc cho hòa bình, ổn định chứ không phải là khủng bố”. Hành động của các nước Ả rập đang đe dọa sự ổn định của toàn bộ khu vực.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói với các phóng viên tại Doha rằng: "Chúng tôi không đầu hàng và sẽ không bao giờ sẵn sàng từ bỏ sự độc lập trong chính sách đối ngoại của chúng tôi", phát đi thông điệp là nước này sẽ không bao giờ thỏa hiệp.
Giới phân tích cho rằng, Ả rập Xê út đã đưa ra tối hậu thư cho Qatar, liệt kê 10 yêu cầu, trong đó nổi bật nhất là việc yêu cầu Qatar cắt đứt mọi mối quan hệ với các tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập và Hamas ở Palestine (bị các nước này coi là “khủng bố”).
Bên cạnh đó, chính quyền Riyadh cũng đòi hỏi Doha không được “qua lại” với "chính quyền khủng bố" Tehran - quốc gia Hồi giáo dòng Shi’a, đối thủ lớn nhất của các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni, bởi đây là sự “đi ngược lại đường lối chung của các quốc gia Ả rập”.
Trong khi nói rằng Qatar vẫn chưa nhận được danh sách các yêu cầu từ các quốc gia cắt đứt quan hệ với Doha, ông Abdulrahman al-Thani khẳng định tình hình sẽ không thể được giải quyết bằng các giải pháp quân sự, mà phải dựa trên những phương tiện hòa bình.
Qatar khẳng định, mặc dù các nước trên đưa ra những hành động phi lý nhưng nước này vẫn cam kết sẽ tôn trọng các thỏa thuận về khí đốt hóa lỏng (LNG) đã ký kết với UAE, bất chấp việc nước này đã cắt đứt mối quan hệ với Doha.
Tuy hướng tới một giải pháp hòa bình nhưng chính quyền Doha vẫn đang chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất bằng cách đặt toàn bộ lực lượng vũ trang vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh Ả rập Xê út đang phong tỏa biên giới Qatar.
Qatar chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, Thổ-Iran điều quân sang giúp
Theo giới truyền thông, chính quyền Riyadh đã tăng cường các đơn vị quân đội đến biên giới với Qatar. Các nguồn tin quân sự của DEBKAfile/Israel tiết lộ, các lữ đoàn Cảnh sát Quốc gia Ả rập Xê út đã được điều tới phong tỏa biên giới, tất cả các đoạn giao lộ bị đóng kín bởi các khối bê tông chống tăng lớn.
Ngược lại, theo một báo cáo vừa công bố của CNN Arabic, các quan chức Mỹ cho biết họ đã quan sát thấy hoạt động quân sự của Qatar khi quốc gia này đặt lực lượng "vào tình trạng báo động cao nhất", trước nguy cơ bùng phát một cuộc tấn công quân sự sắp xảy ra.
Các nguồn tin tiết lộ, quân đội Qatar đã đưa 16 xe tăng Leopard dự trữ ra khỏi khu vực cất trữ ở thủ đô Doha, đồng thời các lực lượng không quân, hải quân cũng đã triển khai lực lượng ở các khu vực xung yếu, để chuẩn bị sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công quân sự tiềm ẩn của các quốc gia vùng Vịnh xung quanh.
Hơn nữa, Bộ Quốc phòng của Qatar cũng đã gửi một lá thư tới các chính phủ Ả rập Xê út, UAE và Bahrain; trong đó tuyên bố rõ ràng là họ sẽ bắn vào bất cứ tàu hải quân nào từ các nước khác xâm nhập vào vùng biển của họ.
Những động thái trên thể hiện sự cương quyết không nhân nhượng của chính quyền Doha đối với tối hậu thư của các nước Ả rập do Ả rập Xê út lãnh đạo - điều mà họ coi là “những yêu sách phi lý, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Qatar”.
Các thông tin này được tiết lộ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, một chính phủ thân thiện với Qatar, phê duyệt một dự luật cho phép triển khai quân đội khẩn cấp đến căn cứ của họ mới được thiết lập tại Qatar. Căn cứ này có sức chứa tới hơn 4.000 quân và trang bị nặng.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/6 đã phê chuẩn dự luật cho phép điều quân đội đến căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ Qatar. Theo đó, khoảng 3.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiện diện ở Qatar để “huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội nước này”.
Động thái này được xem là nhằm ủng hộ Qatar giữa lúc quốc gia vùng Vịnh đang bị láng giềng cô lập về ngoại giao và thương mại. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đang cung cấp lương thực và nước cho Doha, sau khi Qatar bị phong tỏa đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình Al Arabiya của Ả rập Xê út ngày 7.6 dẫn các nguồn tin ở Ai Cập tiết lộ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang bảo vệ Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani trong lâu đài của nhà lãnh đạo này.
Nguồn tin cho biết thêm, cũng giống như lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã đến Qatar dưới vỏ bọc là tham gia huấn luyện, nhưng thực chất đây là các nhóm đặc nhiệm Iran làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu và nguyên thủ của Qatar.
Ngoài ra, Iran cũng đã mở rộng không phận cho các máy bay dân dụng của Qatar bay sang nước này để tới Iraq và Jordan, trước khi vào Bắc Phi và tới các khu vực khác như châu Âu. Trước đây, đường bay của các máy bay này là qua Ả rập Xê út để sang Ai Cập.
Những động thái này cho thấy, Qatar đang không hề nhân nhượng và vững tin vào sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhằm đối phó với các quốc gia Ả rập xung quanh do Ả rập Xê út lãnh đạo, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang “đứng bên lề” xem các đồng minh tranh nhau thể hiện vai trò dẫn dắt Trung Đông.
Tuy vẫn còn hy vọng vào những giải pháp chính trị và ngoại giao nhưng nguy cơ xung đột quân sự giữa liên minh Qatar-Iran-Thổ với liên minh Ả rập do Ả rập Xê út lãnh đạo là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu 2 bên không tìm được sự thỏa hiệp, đồng thời Mỹ không kịp thời hạ nhiệt những cái đầu nóng.
Theo Huy Bình
Đất Việt