1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các lò hỏa táng ở Đức có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu khí đốt

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng khí đốt đang cho thấy tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống ở Đức, trong đó có hoạt động của các lò hỏa táng.

Các lò hỏa táng ở Đức có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu khí đốt - 1

Các cỗ quan tài tại một nhà hỏa táng ở Đức (Ảnh: Reuters).

Đức, giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, đang ra sức lên phương án đối phó với tình trạng cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Svend-Joerk Sobolewski, người đứng đầu hiệp hội hỏa táng ở Đức, cho biết trong trường hợp nước này không tìm được nguồn cung thay thế, lĩnh vực này nên được ưu tiên bởi các lò hỏa táng sẽ phải ngừng hoạt động nếu không có khí đốt.

Trong khoảng 1 triệu người tử vong hàng năm ở Đức, khoảng 3/4 thi thể được hỏa táng, tỷ lệ cao hơn so với các nước châu Âu. Theo các chuyên gia, về lâu dài, Đức có thể sử dụng điện để thay thế, nhưng biện pháp này không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Thay vào đó, trước mắt, phương án khả thi là giảm nhiệt độ trung bình của lò thiêu từ 850 độ C hiện tại xuống 750 độ C. Điều này sẽ giúp tiết kiệm 10%-20% khí đốt, song lại đòi hỏi phải có giấy phép đặc biệt của các cơ quan thẩm quyền.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt ngày càng hạn hẹp, các nhà hỏa táng ở Đức buộc phải ngừng hoạt động một số lò thiêu, chỉ một số lò tiếp tục được đốt nóng. "Trong trường hợp xảy ra sự cố về khí đốt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục vận hành các lò hỏa táng còn nóng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn có thể hoạt động khi nguồn cung giảm", Karl-Heinz Koensgen, người quản lý lò hỏa táng ở Dachsenhausen, miền Tây của Đức, cho biết.

Đức là quốc gia châu Âu phụ thuộc nhất vào nguồn cung năng lượng từ Nga, do vậy cũng chịu ảnh hưởng lớn khi Moscow thắt chặt nguồn cung nhằm đáp trả biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra hàng loạt biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt như hạn chế thắp sáng vào ban đêm, ngừng dịch vụ nước nóng ở các nơi công cộng. Giới chức Đức cũng nỗ lực tìm nguồn cung thay thế như nhập khẩu khí hỏa lỏng từ Mỹ, đầu tư các dự án năng lượng ở châu Phi.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine