Điều gì xảy ra nếu dòng khí đốt từ Nga đến Đức ngừng hẳn?
(Dân trí) - Đức, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đang chuẩn bị mọi kịch bản, bao gồm ngừng hoàn toàn khí đốt từ Nga, khi thời hạn bảo dưỡng 10 ngày đường ống Nord Stream 1 kết thúc.
Bắt đầu từ hôm qua (11/7), Nga đã "khóa van" đường ống cung cấp khí đốt chính cho Đức trong vòng 10 ngày để bảo dưỡng đường ống. Điều gì sẽ xảy ra với Đức nếu thời gian ngừng hoạt động của Nord Stream 1 kéo dài hoặc mở lại nhưng với lưu lượng giảm?
Tại sao Nord Stream 1 lại quá quan trọng?
Nord Stream 1 là tuyến đường độc đạo lớn nhất để khí đốt Nga chảy vào Đức, với lưu lượng 55 tỷ m3/năm.
Trong khi đó, khí đốt Nga vận chuyển qua Ba Lan đã ngừng trong năm nay và qua Ukraine cũng đã bị sụt giảm do chiến tranh.
Một nửa hộ gia đình ở Đức đang lệ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 3. Riêng năm ngoái, Đức đã tiêu thụ 100 tỷ m3/năm. Do đó, nếu Nord Stream 1 không mở lại sẽ khiến kế hoạch lấp đầy các bể chứa khí đốt trước mùa đông của nước này đổ bể.
Về lý thuyết, các bể chứa đó có thể đáp ứng nhu cầu của Đức trong khoảng 2,5 tháng, nhưng hiện chỉ mới bơm được 64,6% so với mục tiêu 80% vào 1/10.
Trong khi đó, thị trường khí đốt trên toàn cầu đang thắt chặt và giá đã tăng mạnh kể từ năm ngoái khi nhu cầu hồi phục sau đại dịch.
Khi nào Đức sẽ giới hạn khí đốt cho người tiêu dùng?
Nếu Đức kích hoạt giai đoạn khẩn cấp của kế hoạch 3 giai đoạn, cơ quan quản lý mạng lưới Bundesnetzagentur của nước này sẽ được giao nhiệm vụ để bảo đảm lượng khí đốt được phân phối công bằng.
Giai đoạn này sẽ được kích hoạt trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ khí đốt đặc biệt cao hoặc nguồn cung bị gián đoạn đáng kể, ví dụ như nếu Nord Stream 1 vẫn đóng cửa.
Đức đang thực hiện giai đoạn 2 kể từ ngày 23/6 sau khi dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 giảm xuống còn 40% công suất.
Ngành nào gặp rủi ro nhất?
Sản xuất hóa chất, thép, thủy tinh và giấy… là những ngành tiêu thụ khí đốt hàng đầu ở Đức, nhưng ảnh hưởng sẽ lan rộng sang cả lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ sứ.
Ngành công nghiệp sản xuất nhôm của Đức, với doanh thu khoảng 22 tỷ euro và 60.000 nhân công, cũng đang phụ thuộc vào khí đốt để nấu chảy và tái chế.
Trong ngành công nghiệp giấy, với doanh thu 15,5 tỷ euro và 40.000 nhân công, các nhà khai thác cho biết giấy và bìa cứng rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh.
Các công ty đang làm gì?
Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức - mới đây đã yêu cầu chính phủ Đức cứu trợ và cảnh báo thiệt hại do sụt giảm nguồn cung từ Nga và giá khí đốt tăng có thể lên đến 9 tỷ euro. Các công ty tiện ích khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự.
Nhà sản xuất thép hàng đầu Thyssenkrupp đã lên kế hoạch cho việc gián đoạn sản xuất vì việc sử dụng dầu hay than đá để thay thế khí đốt đều không khả thi. Người phát ngôn của hãng cho biết, nhà máy có thể phải đóng cửa và các hư hỏng kỹ thuật có thể xảy ra nếu mức phân bổ tối thiểu bị từ chối.
Tập đoàn công nghiệp Aluminium Deutschland cũng cho biết, nếu cắt giảm nguồn cung khí đốt cho các nhà máy sản xuất nhôm xuống mức 30% sẽ khiến cho một nửa số nhà máy không hoạt động.
Gã khổng lồ hóa chất BASF cũng cần duy trì nguồn cung khí đốt ở mức 50% nhu cầu tối đa, do đó, công ty sẽ phải kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp nếu ngừng nguồn cung khí đốt từ Nga.
Các nhà máy sản xuất giấy hàng đầu của Đức như Stora Enso, UPM và Mitsubishi Hitec Paper Europe cũng đang loay hoay với tình trạng tương tự.
Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Đức?
Trong một dự đoán tồi tệ nhất cho đến nay, tập đoàn công nghiệp Bavarian cho rằng hoạt động của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ sụt giảm 12,7% trong nửa cuối năm nay trong trường hợp nguồn cung khí đốt Nga ngưng hoàn toàn.
Đó là chưa kể những rủi ro đối với xã hội, chính trị khi tình trạng thiếu hụt khí đốt xảy ra.